CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN

ĐÀ NẴNG IKEYER
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Tục kết chạ là gì?

Go down 
Tác giảThông điệp
ngochai




Tổng số bài gửi : 22
Join date : 04/10/2010

Tục kết chạ là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Tục kết chạ là gì?   Tục kết chạ là gì? I_icon_minitimeTue Oct 05, 2010 7:46 pm


Chạ là anh em. Kết chạ là kết nghĩa anh em. Nhưng không phải giữa hai người, hai nhà mà là giữa hai làng với nhau. Kết nghĩa giữa hai làng là hiện tượng không hiếm ở Bắc Giang và nhiều nơi khác trên đất nước ta. Đó là biểu tượng cho nét văn hóa làng đã có từ lâu.

Thời cổ xưa, quan niệm về sự kết nghĩa giữa hai làng, thường là sự tách đôi của một cộng đồng vốn cùng cư trú tại một chỗ, sau do có sự biến thiên nào đó, trở thành hai làng. Hai làng trở nên gắn bó nghĩa tình với nhau. Hiện tượng này thường xảy ra hai bên bờ một con sông. Làng Phú Cốc, xã Quang Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang với làng Soi Cốc, xã Tân Tiến, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên là một ví dụ. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy, mà còn bắt nguồn từ một việc làm tốt đẹp nào đó mà dẫn đến kết nghĩa anh em. Chẳng hạn như làng Cao Thượng và Liên Chung, huyện Tân Yên kết nghĩa với nhau là do nhân dân Liên Chung kéo gỗ làm đình giúp làng Cao Thượng. Hoặc như làng Trâu Lỗ (Hiệp Hòa) với làng Kim Lũ huyện Đa Phúc (nay là Sóc Sơn). Chuyện dẫn đến kết tình anh em quả là hiếm thấy. Theo các cụ thượng làng Trâu Lỗ kể lại: Kim Lũ là một làng quê bên kia sông Cầu, gần Ngã Ba Sà thuộc huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên xưa. Lễ làng Kim Lũ tổ chức vào ngày 12/9 ta. Năm ấy làng chuẩn bị làm lễ tế thần thì xảy ra một sự bất ngờ. Con trâu được chọn làm vật tế, đứt chạc chạy đâu mất. Dân làng Kim Lũ đốt đuốc đổ đi tìm suốt đêm mà không thấy nên rất lo lắng, buồn rầu. Sáng sớm ngày 12/9 năm ấy (năm Quý Tỵ 1593), làng Trâu Lỗ đang thắp hương làm lễ trong đền, thì thấy một con trâu lạ từ đâu đến nằm phục ngoài bãi, đầu hướng vào trước cửa đền. Dân làng Trâu Lỗ cho đây là điềm tốt lành, làng có lộc. Theo truyền thuyết còn lưu giữ trong nhân dân về làng Trâu Lỗ là khi lập làng, các cụ chọn thế đất làng nằm trên lưng con trâu. Sự việc diễn ra vào ngày đại lễ trùng với truyền thuyết về làng như trời ban phước, nên làng coi giữ trâu rất cẩn thận. Khi biết con trâu là vật tế thần của làng Kim Lũ, dân làng Trâu Lỗ đã cử người đem trả trâu cho làng Kim Lũ. Cảm kích trước tấm lòng của dân làng Trâu Lỗ, dân làng Kim Lũ mang lễ vật sang đền Trâu Lỗ làm lễ tạ ơn thánh thần và xin được kết chạ giữa hai làng. Tình nghĩa keo sơn giữa hai làng có từ đấy và cho đến bây giờ tình nghĩa ấy vẫn thuỷ chung son sắt.

Qua tìm hiểu, ở Hiệp Hòa hiện nay có bốn làng còn giữ được nghĩa tình kết chạ. Ngoài Trâu Lỗ với Kim Lũ, còn có Xuân Biều với Cẩm Hoàng, Nga Trại với Đông Lâm, Phúc Linh với Hương Câu. Trong đó Hương Câu với Phúc Linh nghĩa tình anh em ngày càng đằm thắm như một di sản văn hóa làng đáng quý, cần được phát huy. Hương Câu tên cổ là Kẻ Cấu, Phúc Linh là Kẻ Chiêng. Hai làng thuộc xã Hương Lâm cách xa nhau chừng ba cây số. Kẻ Cấu, Kẻ Chiêng kết chạ với nhau trong hoàn cảnh lịch sử nào và từ bao giờ? Đó là câu hỏi mà mọi người trong hai làng đặt ra đã từ lâu, đến nay vẫn chưa tìm ra nguồn gốc. Vì không còn bút tích gì để lại. Chỉ biết tình nghĩa anh em giữa hai làng được truyền lại từ đời trước sang đời sau, theo nghĩa cha truyền con nối nên nghĩa tình ngày một thêm gắn bó keo sơn.

Tháng 2/1998, hai làng đã xây dựng được bản “Quy ước của hai dân Hương - Phúc”. Đó là bản hương ước của hai làng. Riêng về phần kết hôn, hai làng kết chạ đã là anh em thì trai gái hai làng không được lấy nhau. Hai làng kết chạ, làng nào cũng là anh, là em. Làng A gọi làng B là anh xưng em. Làng B gọi làng A cũng là anh xưng em. Điểm lại một số việc làm nghĩa tình trên tiến trình lịch sử kết chạ giữa hai làng Hương - Phúc, theo các cụ làng Hương Câu kể lại, cách đây khoảng 200 năm (thời mà Hiệp Hòa là một trong bốn huyện của phủ Bắc Hà), nhân dân hai làng phải đi đắp đê (vực đê Ao Cả) thuộc huyện Đông Anh ngày nay. Dân phu hai làng luôn luôn động viên giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để cùng hoàn thành khối lượng công việc được giao và đi cùng đi, về cùng về. Khi nhân dân Phúc Linh làm ngôi đình mới (cách nay khoảng hơn 100 năm), nhân dân Hương Câu khiêng đá, kéo gỗ xuống giúp dân Phúc Linh làm suốt đêm, sáng sớm hôm sau đã xong. Một năm lúa đồng Hương Câu chín rũ, không kịp cắt, trời lại sắp có bão. Bà con Phúc Linh gặt đã vãn, thế là hàng trăm người quanh gánh, liềm hái kéo lên giúp dân Hương Câu trước khi cơn bão tràn về. Lại một năm trời hạn hán kéo dài, mạ đã đến tuổi mà không có nước cấy. Ngày ấy đồng ruộng Phúc Linh đa phần trông vào nước trời (chưa có hệ thống thuỷ nông như bây giờ). Khi trời đổ một trận mưa nước tràn bờ, Hương Câu đánh hơn trăm con trâu bò xuống cày bừa giúp Phúc Linh để cấy cho kịp thời vụ. Năm 1987, khi Hương Câu xây dựng phân hiệu II của trường cấp 2 (nay là trung học cơ sở) dân anh Phúc Linh thồ lên 2 tấn thóc và 6 vạn ngói giúp dân Hương Câu. Sáu phòng học xây dựng xong được mang tên là lớp học Hương - Phúc.

Đình Hương Câu, ngôi đình cổ đã được Bộ Văn hóa -Thông tin công nhận là di tích văn hóa lịch sử. Năm 2001, nhân dân Hương Câu tôn tạo lại ngôi đình. Mọi công đoạn, mọi phần việc đã được khoán gọn. Buổi sáng đại biểu hai làng làm lễ hạ giải, thì khoảng 12 giờ trưa dân anh Phúc Linh cho hai công nông chở người và 50 đôi sảo, cùng hơn 200 người đi xe đạp, xe máy lên. Hương Câu chưa kịp nổi trống làng huy động bà con dân làng ra, dân anh Phúc Linh đã đông đủ trước sân đình. Thế là chỉ hơn tiếng đồng hồ, 14 vạn ngói trên hai mái đình được gỡ xuống, xếp lại gọn ghẽ vào nơi quy định. Và một tuần sau, dân anh Phúc Linh lại chở lên 7 vạn ngói và 27 triệu đồng góp vào tôn tạo đình Hương Câu. Sức mạnh tình cảm, tinh thần khi đã thấm vào lòng người là như vậy.

Kết chạ là nét đẹp văn hóa làng, mang đậm bản sắc dân tộc rất đáng được duy trì và phát huy trong đời sống cộng đồng ở làng quê.
Về Đầu Trang Go down
 
Tục kết chạ là gì?
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN  :: TÀI LIỆU HỌC TẬP :: VĂN HÓA VIỆT-
Chuyển đến