CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN

ĐÀ NẴNG IKEYER
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 131
Join date : 28/09/2010

GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG Empty
Bài gửiTiêu đề: GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG   GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG I_icon_minitimeTue Oct 05, 2010 7:02 pm

PHẦN CÂU HỎI KIẾN THỨC CHUNG


Câu 1: Bạn hãy cho biết diện tích đất liền, độ dài bờ biển và dân số của thành phố Đà Nẵng?
Gợi ý trả lời:
+ Diện tích đất liền: 1.255,53 km2
+ Độ dài bờ biển: Hơn 90 km (có tài liệu cho rằng chỉ dài hơn: 30 km)
+ Dân số: 777.216 (2005). Dự báo 2010: 795670

Câu 2: Bán đảo Sơn Trà có bao nhiêu loài động thực vật và có tầm quan trọng như thế nào đối với Đà Nẵng? Tại sao Sơn Trà còn được gọi là Monkey Mountain?
Gợi ý trả lời: Nằm cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông Bắc, diện tích bán đảo Sơn Trà rộng xấp xỉ 5km2, đường vòng quanh chân núi dài khoảng 25km. Bán đảo Sơn Trà với độ cao 693 m so với mực nước biển; giống hình một cây nấm, đầu nấm là núi Sơn Trà và thân nấm là bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng đẹp đẽ, trong lành. Đây còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quí hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ… cảnh vật thiên nhiên nơi đây rất quyến rũ; dân gian đồn rằng các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau… nên còn có tên là Tiên Sa.
Ở đây có trên 100 loài động vật với hàng chục loài quý hiếm. Đặc biệt là loài Vọc chà và (chỉ có ở Pygathrix) và loài linh trưởng (chỉ có ở Việt Namvà Lào). Trên bán đảo Sơn Trà có gần 300 loài thực vật, thuộc 217 chi, 90 họ, có 64 loại gỗ lớn, 107cây thuốc quý và rất nhiều giống lan rừng. Tất cả tạo nên một hệ sinh thái hết sức đa dạng và độc đáo. Sơn Trà là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Đứng bất cứ ở đâu trên đất Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy ngọn núi này. Trong dáng nhoài người vươn ra biển, Sơn Trà là một bức bình phong khổng lồ che chắn bão giông cho thành phố.
Địa danh Monkey Mountain: Du khách đến đây không chỉ tha hồ ngắm cảnh, tắm biển mà còn say sưa ngây ngất trong cảnh chim kêu, vượn hú. Nhiều người dân địa phương vốn quen gọi đây là…đảo khỉ! Khỉ nhiều vô kể! Chỉ cần bước tới bìa rừng là đã nhìn thấy khỉ! Những chú khỉ thoăn thoắt chuyền từ cành này sang cành khác trông đến vui mắt.

Câu 3: Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có dân tộc ít người nào sinh sống? hiện sống ở địa bàn nào?

Gợi ý trả lời: Dân tộc Cơ Tu. Huyện Hòa vang
+ Người Cơ Tu (còn gọi: người Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca-tang) là một sắc tộc nói ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Sắc tộc này có dân số khoảng 37 nghìn người, cư
trú chủ yếu trên dãy núi Trường Sơn tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, (Quảng Nam), A Lưới, Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế).
+ Hòa Vang là một huyện nằm bao bọc quanh phía tây thành phố Đà Nẵng. Diện tích 737.5 km². Dân số 106.746 – năm 2005. Huyện có diện tích bằng hơn 80% diện tích của thành phố Đà Nẵng (không kể đảo Hoàng Sa).Hòa Vang giáp tỉnh Thừa Thiên – Huế (phía bắc), quận Liên Chiểu (đông bắc), quận Thanh Khê, quận Ngũ Hành Sơn (phía đông), tỉnh Quảng Nam (phía nam và phía tây). Đây là địa phương có nhiều địa danh đẹp và thơ mộng như khu du lịch sinh thái rừng Bà Nà, Suối Mơ, hồ thủy lợi Hòa Trung, hồ thủy lợi Đồng Nghệ, sông Cu Đê mang tôm cá vùng biển lên với đồng bào thượng nguồn và sản vật vùng cao như gỗ, nông sản về đồng bằng.

Câu 4: Trong 36 phố phường của Hà Nội, có phố hàng Rượu không ?
Gợi ý đáp án: Không có
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố mới Phúc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Qua đi đến phố Hàng Da
Trải xem phường phố thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ.

Câu 5: Nơi nào ở Việt Nam được xem là Hạ Long trên cạn?
Gợi ý trả lời: Ninh Bình
Danh từ “Hạ Long trên cạn” không biết xuất phát từ khi nào, có lẽ trước cả khi mà chúa Trịnh Sâm đến và đặt tên cho khu du lịch sinh thái Tam Cốc – Bích Động. Dựa trên cơ sở khoa học ta thấy rằng sở dĩ Ninh Bình được mệnh danh là Hạ Long trên cạn vì 3 lẽ chủ yếu sau đây:
+ Thứ nhất, Ninh Bình và Hạ Long là 2 địa danh nằm tại 2 định cạnh đáy của tam giác đồng bằng sông Hồng. Là điểm cuối của những dãy núi hùng vĩ đâm xuyên ra biển.
+ Thứ hai, địa hình Karst độc đáo với những kiến tạo địa chất hàng nghìn năm mà ở các nơi khác của Việt Nam không có được
+ Thứ ba, nếu như ở Hạ Long, những dãy núi bị ngập chìm trong nước biển tạo ra hàng nghìn hòn đảo thì ở Ninh Bình, chúng được phù sa bồi đắp tạo nên những vùng đất trũng với núi non ngập nước tạo nên nét độc đáo riêng của một địa danh non nước hữu tình.

Về Hạ Long trên cạn, các bạn sẽ được thăm quan nhiều khu điểm, du lịch nhưng có lẽ nổi bật hơn cả là 3 khu du lịch sau đây:

+ Tam Cốc – Bích Động: Khu du lịch chuyên đề của Việt Nam.
Đây là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam, từng được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức động đẹp thứ nhì trời Nam. Thăm Tam Cốc, du khách sẽ đi thuyền trên dòng sông Ngô Đồng để thưởng ngoạn những nét độc đáo mà thiên nhiên bạn tặng cho cố đô Ninh Bình Việt Nam. Đến đây du khách còn được tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hoá Việt Nam khi hành hương tới đền Thái Vi, chùa Linh Cốc, động Thiên Hương, động Tiên, vườn chim, .v.v. Hiện tại Tam Cốc có 6 tuyến tham quan và 17 điểm du lịch.

+ Hang động Tràng An – Vẻ đẹp cố đô:
Ngay cạnh cố đô Hoa Lư, Du khách xuống thuyền thăm Tràng An. Đây là khu du lịch được đầu tư lớn ở Việt Nam bởi tầm quan trọng của nó hướng tới du lịch sinh thái và cội nguồn dân tộc Việt. Tràng An có tới 100 hang động, các thung nước, hòn đảo thông nhau. Tại đây ngành khảo cổ đã thu được nhiều cổ vật quý từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, .v.v Tràng An đã làm sáng tỏ việc định đô của vua Đinh Tiên Hoàng ở nơi đây. Ngày nay, Tràng An được biết đến là nét đẹp của tinh hoa văn hoá dân tộc. Tương lai không xa nơi đây sẽ là di sản văn hóa thế giới.
+ Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long:

Nằm trên 7 xã, Vân Long có thiên nhiên hoang dã với đa dạng động thực vật và cảnh sắc thiên nhiên. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất, độc đáo nhất Bắc Bộ. Không chỉ thế Vân Long còn có nhiều khu giải trí mới như suối nước nóng Kênh Gà, động Vân Trình, đền vua Đinh, động Hoa Lư, động Địch Lộng .v.v.
Về Ninh Bình, là trở về với cội nguồn dân tộc. Về với quê hương của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh thế kỷ X. Những chuyến du lịch hẳn sẽ đưa du khách đến với Hạ Long trên cạn bằng thi tứ của cảnh trí nước non, bằng tâm thức hướng về những ngày dựng nước và giữ nước để ta trân trọng và tự hào
Về Đầu Trang Go down
https://danangikeyer.forumvi.com
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 131
Join date : 28/09/2010

GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG   GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG I_icon_minitimeTue Oct 05, 2010 7:05 pm

Câu 6: Bạn hãy giới thiệu sơ lược về sự hình thành và phát triển áo dài của Việt Nam.
Gợi ý trả lời:
Không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao vì không có tài liệu ghi nhận. Y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm cho thấy hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ.
Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam. Căn cứ theo những chứng liệu này, có thể khẳng định chiếc áo dài với hình thức cố định đã ra đời và chính thức được công nhận là quốc phục dưới triều chúa Nguyễn Vũ Vương (1739-1765). Vào thời này, các văn bản tại Việt Nam dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm
Thời vua Minh Mạng
Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình Huế ra chiếu chỉ cấm đàn bà mặc váy và bắt phải mặc quần hai ống, nên hồi ấy mới xuất hiện câu ca dao than vãn:
Tháng Tám có chiếu vua ra (Bản chép khác: Chiếu vua Minh Mạng ban ra)
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng!
Vậy nếu nói đến quốc phục truyền thống thì chính chiếc áo dài nữ phục mới đậm nét hơn, được quy định bởi những văn bản pháp quy (sắc dụ chúa Nguyễn Vũ Vương) và chuẩn mực ăn mặc rõ ràng hơn (chiếu chỉ quy định của vua Minh Mạng về trang phục hoàn chỉnh cho áo dài nữ phục). Do đó khi nói đến áo dài Việt Nam, người trong lẫn ngoài nước thường nghĩ đến chiếc áo dài nữ phục.
Áo dài nam phục Việt Nam lại không có số phận may mắn như áo dài nữ phục. Ngày nay ta ít có dịp bắt gặp hình ảnh một thanh niên, thậm chí một ông cụ già Việt Nam, vận chiếc áo dài nam phục truyền thống. Áo dài nam phục chỉ còn xuất hiện tại những lễ hội mang đậm nét truyền thống Việt Nam. Đặc biệt tại tuần lễ cấp cao APEC (2006) được tổ chức tại Việt Nam, trong lễ công bố Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều mặc trang phục truyền thống của nước chủ nhà.

Câu 7: Du khách muốn tìm hiểu tiếng Việt. Bạn sẽ giới thiệu thế nào?
Gợi ý trả lời: Tiếng Việt hay Việt ngữ là ngôn ngữ của người Việt (người Kinh) và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam. Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam, cùng với gần ba triệu Việt kiều ở hải ngoại, mà phần lớn là người Mỹ gốc Việt. Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Mặc dù tiếng Việt có một số từ vựng vay mượn từ tiếng Hán và trước đây dùng chữ Hán (chữ Nho) để viết, sau đó được cải biên thành chữ Nôm, tiếng Việt được coi là một trong số các ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á có số người nói nhiều nhất (nhiều hơn một số lần so với các ngôn ngữ khác cùng hệ cộng lại). Ngày nay tiếng Việt dùng bảng chữ cái Latinh, gọi là chữ Quốc Ngữ, cùng các dấu thanh để viết.

Câu 8: Nhã nhạc cung đình Huế được Unesco công nhận khi nào?Tại sao?
Gợi ý trả lời: Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Theo đánh giá của UNESCO, “trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia” .“Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam đến thời nhà nhà Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất” .
Hội đồng thẩm định đánh giá: ''Nhã nhạc Việt Nam mang ý nghĩa 'âm nhạc tao nhã'; là âm nhạc cung đình Việt Nam trình diễn tại các lễ trọng đại; Nhã nhạc mang tầm quốc gia''.
Về nội dung, nhã nhạc mang tính triết lý được sử dụng trong các lễ lớn của triều đình, là tiếng nói của con người gửi gắm đến thần linh và vũ trụ. Về âm nhạc, xây dựng trên những thang âm dân tộc và đặc biệt cấu tạo dàn nhạc là sự phối hợp của các âm sắc nhạc cụ khác nhau, do đó mỗi loại nhạc cụ trong dàn nhạc thường chỉ có một cây, quá lắm là hai cây. Những nhạc cụ này trình diễn trên cơ sở một ''lòng bản'' chung nhưng được thể hiện với rất nhiều hoa mỹ nhấn nhá của từng cây nhạc cụ. Về nhân cách nhạc công, cổ nhân nói ''đánh nhạc trong người phải thanh khiết, tâm hồn phải trong sáng vì âm nhạc là thứ cao quý nếu đem tấm thân ô trọc mà chơi nhạc thì chỉ sản ra những âm thanh om sòm, loạn bậy''. Cho nên nhạc công của nhã nhạc phải tắm mình trong cái thần của nhã nhạc

Câu hỏi 9: Anh Chị cho biết hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập năm nào? VN trở thành thành viên của tổ chức này khi nào?
Gợi ý trả lời: Đông Nam Á là một khu vực của châu Á, bao gồm các nước nằm ở phía Nam Trung Quốc, phía Đông Ấn Độ và phía Bắc của Úc, rộng 4.494.047 km² và bao gồm 11 quốc gia: Brunei, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Vào năm 2004, dân số của cả khu vực lên đến 544 triệu người, trong đó hơn 1/6 sống trên đảo Java (Indonesia).
Ngày 8 tháng 8 năm 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines thành lập. Từ khi Campuchia được chấp nhận vào hiệp hội năm 1999, Đông Timor là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không ở trong khối ASEAN. Hiệp hội này có mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các cộng đồng Đông Nam Á. Khu vực thương mại tự do ASEAN đã được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa thương mại bên trong các thành viên ASEAN. ASEAN cũng là một khối có triển vọng thành công trong việc hội nhập ở mức cao hơn nữa vào vùng Châu Á Thái Bình Dương thông qua Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Ý niệm về Đông Nam Á như một khu vực riêng biệt đã có từ lâu. Song cùng với thời gian, khái niệm này ngày càng được hiểu một cách đầu đủ và chính xác hơn. Người Trung Quốc xưa kia thường dùng từ “Nam Dương” để chỉ những nước nằm trong vùng biển phía Nam.Người Nhật gọi vùng này là “NanYo”. Người Arập xưa gọi vùng này là “Qumr”, rồi lại gọi là “Waq – Waq” và sau này chỉ gọi là “Zabag”. Còn người Ấn Độ từ xưa vẫn gọi vùng này là “Suvarnabhumi” (đất vàng) hay “Suvarnadvipa” (đảo vàng). Tuy nhiên đối với các lái buôn thời bấy giờ, Đông Nam Á được nhìn nhận là một vùng thần bí, nơi sản xuất hương liệu gia vị và những sản phẩm kì lạ khác, còn sinh sống ở đây là những con người thành thạo và can đảm. Tên gọi “Đông Nam Á” được các nhà nghiên cứu chính trị và quân sự của Hà Lan, Anh, Mỹ đưa ra từ những năm đầu khi nổ ra Thế chiến thứ hai, nhưng chính thức đi vào lịch sử với ý nghĩa là một khu vực địa – chính trị, và quân sự được bắt đầu từ khi tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và thủ tướng Anh Winston Churchill tại Hội nghị Québec lần thứ nhất vào tháng 8 năm 1943 nhất trí thành lập Bộ chỉ huy tối cao quân Đồng Minh ở Đông Nam Á. Trước đó, để chỉ khu vực này, người ta đã dùng nhiều tên gọi khác nhau cho những mục đích riêng biệt. Lúc bấy giờ cũng có sự khác nhau về cách viết từ Đông Nam Á bằng tiếng Anh. Một số nhà nghiên cứa như Victo Pơxên (Victor Purcell), Đôbi (E.G.H Dobby), dùng từ “Southest” thay cho “South East” hay “South-East”, vốn được dùng từ lâu. Bộ tư lệnh tối cao Đông Nam Á (SEAC) vẫn dùng từ “Southeast”, nhưng tướng Môngbattơn dùng South-East. Như thế có thể thấy rằng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, từ “Đông Nam Á” mới xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới như một khu vực riêng biệt và có tầm quan trọng đặc biệt. Song nếu như trước đây, người ta mới chỉ nhìn thấy tính khu vực Đông Nam Á thể hiện ở vị trí địa lí – chính trị và quân sự của nó thì đến nay nhiều người đã khẳng định rằng ít nhất cho đến thế kỉ 16, Đông Nam Á đã nổi lên như một trong những trung tâm văn minh, một khu vực địa lí – lịch sử – văn hóa truớc khi trở thành một khu vực địa lí – chính trị.
Hiện nay, tổ chức này gồm 10 quốc gia được liệt kê theo ngày gia nhập:
• Các quốc gia sáng lập (ngày 8 tháng 8 năm 1967):
o Cộng hoà Indonesia
o Liên bang Malaysia
o Cộng hoà Philippines
o Cộng hòa Singapore
o Vương quốc Thái Lan
• Các quốc gia gia nhập sau:
o Vương quốc Brunei (ngày 8 tháng 1 năm 1984)
o Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (ngày 28 tháng 7 năm 1995)
o Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (ngày 23 tháng 7 năm 1997)
o Liên bang Myanma (ngày 23 tháng 7 năm 1997)
o Vương quốc Campuchia (ngày 30 tháng 4 năm 1999)
Papua Tân Guinea và Đông Timor là các thành viên quan sát của ASEAN.

Câu 10: Theo quan niệm của UNESCO có hai loại di sản văn hoá:
Gợi ý trả lời:
+ Văn hóa vật thể: 5 (Hạ Long, Phong Nha, Huế, Hội An, Mỹ Sơn)
+ Văn hóa phi vật: 2 (Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên)
Về Đầu Trang Go down
https://danangikeyer.forumvi.com
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 131
Join date : 28/09/2010

GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG   GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG I_icon_minitimeTue Oct 05, 2010 7:10 pm

Câu 11: Văn Miếu Hà Nội có công trình nào thuộc Nhà Nguyễn?
Gợi ý trả lời: Văn miếu tên cũ là phu tử miếu là đền thờ Khổng Tử tại các nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên…
Văn Miếu được xây dựng từ “tháng 8 năm Canh Tuất (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối vẽ tranh tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học.”.
Đời nhà Nguyễn, Quốc Tử giám lập tại Huế. Năm 1802, vua Gia Long ấn định đây là Văn Miếu – Hà Nội và cho xây thêm Khuê Văn Các. Trường Giám cũ ở phía sau Văn Miếu lấy làm nhà Khải thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử

Câu 12: Theo nhật báo “Courrier du Viet Nam”, diện tích trồng café của Việt Nam là 50.000ha, sản lượng chiếm 10% thị phần thế giới với 3 chủng loại: Arabica, Robusta, Moka. Loại café nào của Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu?
Gợi ý trả lời: Cà phê Robusta
Sản lượng cà phê (nghìn bao): 1 bao = 60 kg
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO)

Quốc gia
Niên vụ 2002
2003
2004
2005
Việt Nam

(R/A) T.10-T.9 11.555
(693,3 tấn) 15.230
(913,8 tấn) 13.844
(830,64 tấn) 11.000
(660 tấn)

Câu 13: Tham quan Hồ Lak xong, đi Đà Lạt bằng đường bộ, bạn hãy theo quốc lộ nào, nối Buôn Ma Thuột – Đà Lạt
Gợi ý trả lời: Quốc lộ 27 đi Đà Lạt (193 km).
Quốc lộ 27 bắt đầu từ Buôn Ma Thuột đến ngã 3 Liên Khương bị so le một đọan bởi quốc lộ 20 đến ngã 3 Fimnôm rẽ phải tiếp tục quốc lộ 27 đi thị xã Phan Rang – Tháp Chàm.

Câu 14: Kể tên một kênh đào rất quan trọng ở Châu Đốc, sát biên giới Việt Nam – Campuchia. Ai là người đứng ra đào kênh? Vì sao kênh đào mang tên đó?
Gợi ý trả lời: Kênh Vĩnh Tế, là một con kênh đào nổi tiếng, nằm tại địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
Vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường tâu lên. vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy.. Biết thế, nhưng vua chưa ra lệnh đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, nếu bắt làm xâu thêm khổ sở, lòng dân sẽ không yên.
Mãi đến tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mới cho lệnh đào kênh, và công việc được bắt đầu khởi công vào tháng chạp năm ấy, trải qua mấy giai đoạn trong suốt 5 năm, đến tháng 5 năm Nhâm Thân (1824), dưới triều vua Minh Mạng mới xong.
Kênh đào song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Dưới sự chỉ huy của Trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu cùng với 2 ông là Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên (1763-1831), Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (1763 – 1820). Sau có thêm Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), Phó Tổng trấn thành Gia Định Trần Văn Năng, Thống chế Trần Công Lại góp sức.
Ngay trong đợt đầu đã có hơn 10.000 nhân công bao gồm: 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5.000 dân là người Khmer.
Kênh phải qua nhiều đoạn đất cứng khó đào, lại có khi gặp phải thời tiết, khí hậu bất lợi nên có lúc công việc phải gián đoạn hoặc chậm chạp.
Biết vậy, ngay khi lên ngôi (1820), vua Minh Mạng lập tức ra lệnh cho Tổng trấn thành Gia định là Lê Văn Duyệt huy động thêm nhiều dân binh ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường hơn 39.000 người, trong số đó binh và dân người Khmer 16.000 người, chia làm 3 phiên, đào đắp bằng tay với dụng cụ thô sơ hàng triệu mét khối đất đá…và có khi phải thay nhau thi công suốt ngày đêm…
Kênh hoàn thành với chiều dài 205 dặm rưỡi (91km), rộng 7 trượng 5 thước (25m), sâu 6 thước(3m) và hiện nay nhờ nhiều lần nạo vét, nên đã sâu hơn nhiều. Ước tính, trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 80.000 dân binh.
Bởi công việc ở chốn “đồng không mông quạnh”, nhiều “sơn lam chướng khí”; việc ăn uống, thuốc men thảy đều thiếu thốn, khiến số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như sấu, rắn rít… quá cao. Và số người bỏ trốn rồi bỏ mạng cũng lắm, mặc dù luật lệ ràng buộc, nhiều tai ương, nhất là khi phải vượt qua sông Vàm Nao.
Cho nên khi tin vui về đến Huế, vua Minh Mạng rất đổi mãn nguyện vì nối được chí cha, liền sắc khen thưởng, dựng bia ở Núi Sam và ở bờ kênh mới đào để ghi nhớ thành quả to lớn này
Vua cho phép Thoại Ngọc Hầu lấy tên vợ là Châu Thị Tế, dòng họ Châu Vĩnh, đặt tên cho núi Sam là Vĩnh Tế Sơn và dòng kênh mới đào là Vĩnh Tế Hà.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc vào Cao đỉnh.

Câu 15: Vệ tinh Vinasat của Việt Nam được phóng lên từ Guyane. Guyane là tỉnh hải ngoại của quốc gia nào? Guyane có liên hệ như thế nào với lịch sử cách mạng cận đại của Việt Nam?
Gợi ý trả lời: Guyane là tỉnh hải ngoại của nước Pháp.
Nhiều nhà yêu nước trước khi bị đày đi Guyane đã từng bị giam tại Côn Đảo. Không phải chỉ sau khởi nghĩa Yên Bái, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương và Chính phủ Pháp mới đẩy những người Việt yêu nước tới Guyane, mà từ trước đã có nhiều người Việt bị đày đến đó.
Năm 1931, sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, 525 tù nhân Việt Nam bị bắt đày đi Côn Đảo, sau đó bị đày biệt xứ sang Guyane thuộc Pháp và giam tại một trong những nhà lao ở Cayenne, gọi là nhà lao An Nam. Gần 80 năm qua, sự kiện đó dường như ít còn được mấy ai nhắc đến nữa.

Câu 16: Hội thi hướng dẫn viên Du lịch được tổ chức tại nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Bạn thử giới thiệu vắn tắt về Nguyễn Hiển Dĩnh. Kể tên hai con đường ở Đà Nẵng mang tên những nhân vật đã có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam
Gợi ý trả lời: Tuồng, tức hát bộ, còn gọi là hát bội hay luông tuồng là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt Nam.
+ NGUYỄN HIỂN DĨNH: (tự: Tố Tâm; 1853 – 1926), soạn giả đồng thời là thầy dạy nghệ thuật tuồng của Việt Nam. Quê: xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông đã viết và soạn lại trên 20 vở tuồng, nội dung phản ánh chân thực xã hội nông thôn Việt Nam thời thực dân phong kiến, lời văn bình dị, ít từ Hán Việt, sử dụng thuần thục tục ngữ ca dao, thể hiện rõ tài năng châm biếm xã hội của tác giả. Người đương thời đánh giá Nguyễn Hiển Dĩnh là người tạo dựng được phong cách nghệ thuật tuồng độc đáo, nhiều luận điểm về nghệ thuật tuồng truyền thống của ông được các thế hệ làm nghề chấp nhận và phát huy. Tác phẩm: “Lý Mã Hiền”, “Phong Ba Đình”, “Võ Hùng Vương”, “Lục Vân Tiên”, “Trương Đồ Nhục”, “Giáp kén xã Nhộng”, …
Thời kì làm án sát tỉnh Quảng Trị, ông lập gánh hát. Sau khi từ quan, về quê lập trường dạy nghề diễn tuồng đồng thời tổ chức biểu diễn và sáng tác. Đã đào tạo được nhiều diễn viên tuồng xuất sắc: Nguyễn Nho Tuý (Đội Tảo), Nguyễn Lai, Chánh Đệ, Chánh Phẩm, Văn Phước Khôi…
Hai con đường ở Đà Nẵng mang tên những nhân vật đã có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam: Đào Tấn, Tống Phước Phổ
+ Đào Tấn: (sinh năm 1845 – mất 1907) là một nhà soạn tuồng nổi tiếng Việt Nam. Ông được coi là ông tổ hát bội. Hiện có một ngôi đền thờ ông ở Bình Định. Ông sinh tại Tuy Phước, Bình Định. Năm 1874, ông đư¬ợc bổ nhiệm tri phủ Quảng Trạch sau thăng chức lên Phủ doãn Thừa Thiên năm 1878, thời vua Tự Đức ông vừa làm quan vừa soạn tuồng. ông cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật tuồng, hàng chục vở tuồng, những vở còn diễn đến ngày nay là Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng…
+ Tống Phước Phổ: (1902 – 31 tháng 8 năm 1991) là nhà văn, soạn giả tuồng. Ông là một trong những tác giả lớn nhất của sân khấu tuồng với gần 100 kịch bản. Ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996).
Ông sinh năm 1902 tại An Quán, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nhà nho, là cháu nhà viết tuồng trứ danh Nguyễn Hiển Dĩnh. Ông được cậu chọn làm thư kí riêng để ghi chép, chỉnh lý các vở tuồng. Năm 18 tuổi, ông sáng tác vở đầu tay Lâm Sanh – Xuân Hương dựa theo truyện Nôm.
Tống Phước Phổ là cây viết hàng đầu của sân khấu tuồng cách mạng. Ông đã viết tổng cộng gần 100 kịch bản tuồng, trong đó có hơn 20 vở tuồng đề tài cách mạng. Những vở tiêu biểu của ông như Trưng Nữ Vương, Quán Thăng Long, Hội nghị Diên Hồng, Cờ giải phóng, Hùm Yên Thế, Bùi Thị Cúc, Bốn nghìn năm họp mặt anh hùng (chuyển thể kịch thơ của Huy Cận), Đứng lên Khuông Mánh, Tam gia Phước… Ngoài ra ông còn chỉnh lý nhiều vở tuồng cổ như Sơn Hậu, Hường môn hội ẩm, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương, Lam Sơn khởi nghĩa, An Tư công chúa, Ngọn lửa Hồng Sơn, Trưng Vương khởi nghĩa, Rừng khuôn mảng, Sao khuê trời Việt… Nhiều học trò của ông cũng là những cây viết nổi tiếng như Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Kim Hùng, Trần Hưng Quang, Võ Sĩ Thừa…
Năm 1996, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông mất ngày 31 tháng 8 năm 1991 tại Đà Nẵng, thọ 89 tuổi.
Về Đầu Trang Go down
https://danangikeyer.forumvi.com
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 131
Join date : 28/09/2010

GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG   GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG I_icon_minitimeTue Oct 05, 2010 7:13 pm

Câu 17: Trong lịch sử chiến tranh hiện đại của Việt Nam, cụm từ “con đường buồn thiu” (Street without joy) chỉ con đường thiên lý nào đã nối hai tỉnh ở Miền Trung Việt Nam. Cụm từ này bắt nguồn từ đâu?
Gợi ý trả lời: “La Rue sans Joie” hay “Street without Joy” do ký giả Bernard Fall đặt. “Dãy phố buồn hiu” của thời chiến tranh Đông Dương (Pháp) khánh thành tên mới là “Đại lộ kinh hoàng” vào dịp này. Quãng đường mươi km ngang Hải Lăng bị các chốt pháo từ trên núi cách một vài cây số (tầm ngắn của Sơn pháo 75 ly, bích kích pháo) và các chốt bộ binh cách đường chỉ có 50m, liên tục nã vào để chặn đường rút lui. Đoàn người di chuyển trên Quốc lộ 1 gồm quân nhân miền Nam đã thất lạc đơn vị, mất chỉ huy và không còn đội hình, có khi mang theo cả gia quyến, lẫn vào với dân cư Đông Hà, Quảng Trị. Đoàn người này xuôi Nam hỗn loạn, lớp lính, lớp dân, lớp dân trộn vào với lính, bằng đủ loại phương tiện, từ chạy bộ quang gánh đến quân xa, thiết giáp, xe đò, xe lam, xe máy. Một số quân nhân còn khả năng tác chiến cá nhân hay ở cấp đơn vị nhỏ, nói gọn là mạnh ai nấy đánh và mạnh ai nấy chạy nhưng không còn khả năng hành quân nhổ chốt mở đường. Số tử vong trên đoạn đường ngắn ngủi này không ai biết chính xác nhưng lên đến hàng ngàn, năm, mười hay mười lăm hai mươi, theo kiểu tính đổ đồng mỗi mét 1, 2 người (ấy mà). Phần lớn nạn nhân, như trong mọi chiến tranh hiện đại, từ Bosnia đến Iraq và như thường thấy trong cuộc chiến ở tại Việt Nam, phần lớn nạn nhân, là thường dân chạy loạn.

Câu 18: Trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường nhắc đến ba loại kiến trú điển hình. Kể tên và nêu chức năng ba loại kiến trúc đó. Cho ví dụ cụ thể về từng loại kiến trúc ở địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Gợi ý trả lời: Có 3 cách trả lời
Cách 1
+ Kiến trúc cổ Việt Nam
Kiến trúc cổ truyền Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ như nhà gỗ truyền thống Việt Nam kết hợp với các vật liệu bổ trợ khác như gạch, đá, ngói, đất, rơm, tre… Trong thể loại kiến trúc này, thực sự không có sự khác biệt hoặc phân chia hoặc khác biệt nhiều về kết cấu của các thể loại công trình khác nhau. Dựa trên đặc điểm cũng như tính chất của hệ kết cấu cũng như vật liệu này, trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam không thực sự tồn tại các công trình có kích thước lớn như ở các quốc gia khác.
Trong suốt lịch sử, kiến trúc cổ truyền Việt Nam thực sự không có nhiều thay đổi hoặc có xuất hiện những trường phái như ở châu Âu. Vì là một quốc gia phải liên tục chịu đựng chiến tranh trải dài theo lịch sử, thời gian để hòa bình xây dựng rất ngắn, nên kiến trúc lớn hay bền vững tồn tại không có nhiều.
+ Kiến trúc thuộc địa
Thể loại kiến trúc này được du nhập từ các nước phương Tây, cùng với sự xuất hiện của người Pháp tại Việt Nam vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Loại hình kiến trúc này phát triển song song với quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp. Do đặc điểm của riêng của điều kiện địa lý, khí hậu khác biệt nên các phong cách kiến trúc châu Âu đã phải có những chuyển biến nhất định để hòa hợp với điều kiện Việt Nam.
Ví dụ: tòa thị chính Đà Nẵng
+ Kiến trúc đương đại
Cùng với sự phát triển của kinh tế cũng như quá trình mở của hội nhập quốc tế sau giai đoạn Đổi mới và sự du nhập nhiều luồng kiến trúc khác nhau vào Việt Nam đã hình thành nên một khuynh hướng kiến trúc mới. Vào giai đoạn của mở cửa, phong cách kiến trúc này phần nhiều mang tính lai tạp sao chép các đặc điểm kiến trúc nước ngoài còn mang tính hỗn loạn. Hiện nay, các kiến trúc sư Việt Nam vẫn đang lần tìm một con đường cho riêng họ.
Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay(2007) một số trào lưu kiến trúc mới theo phong cách hiện đại đã được hình thành. Tuy chưa rõ nét nhưng đã một phần thể hiện được sự hội nhập với thế giới của các kiến trúc sư Việt Nam. Bên cạnh các hình thức thường thấy ngoài đường phố, công năng sử dụng cũng được nghiên cứu nghiêm túc hơn, tạo tiện nghi cho người sử dụng tốt hơn.


Cách 2: Từ cội nguồn, kiến trúc truyền thống chia thành 2 dòng:
Dòng kiến trúc dân gian với nhà ở nông thôn có qui mô nhỏ, gặp phổ biến trong các làng xã cổ truyền ở các đô thị cổ Việt Nam. Loại kiến trúc dân gian này đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng với các sắc thái địa phương của nó. Một số ít còn lưu lại trong các khu phố cổ ở một số thành phố, thị trấn…
Dòng kiến trúc chính thống bao gồm các thể loại: kiến trúc cung điện, dinh thự, kiến trúc lăng mộ, thành trì, kiến trúc tôn giáo như chùa, đình làng… thường có qui mô lớn, có sự tập trung tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân, thợ cả của cả một vùng, một quốc gia.

Cách 3:
+ Kiến trúc quân sự – quốc phòng: Đây là loại hình kiến trúc bao gồm thành lũy, pháp đài, đồn, cửa ô… Những kiến trúc quân sự quốc phòng cổ Việt nam có mặt bằng bố cục gồm các hình như: hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác đều, hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt khác. Vật liệu xây dựng các loại hình kiến trúc này rất phong phú. Ở miền núi, người ta sử dụng phiến đá xanh có đẽo gọt hoặc không; ở miền trung du, người ta sử dụng đá ong;
miền đồng bằng sử dụng đất hoặc gạch và vôi vữa xây thành.
+ Kiến trúc cung điện – dinh thự:
+ Kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng: Chùa – Tháp; Đền Miếu; Văn Miếu-Văn chỉ; Lăng mộ; Đình làng; Tháp Chàm.
+ Kiến trúc dân gian:
Nhà ở dân gian
Các ngôi nhà ở dân gian đều qua một quá trình chuyển biến từ nhà sàn đến nhà nền đất. Nhà nền đất vùng xuôi có kết cấu khung tre hay gỗ, thường làm vách và lợp bằng tranh, rạ hay lá dừa nước; nếu là kết cấu khung gỗ loại tốt lại thường được lợp bằng ngói, tường bao quanh bằng gạch hoặc tường gạch chịu lực (?) với vì kèo gỗ. Khuôn viên nhà bao gồm: nhà chính, nhà phụ (nhà ngang), nhà bếp và chuồng gia súc cùng sân, vườn, ao, giếng hoặc bể nước và hàng rào, tường vây quanh, cổng ngõ. Nhà chính có số gian lẻ (1, 3 hay 5) cùng với 1 hoặc 2 chái.
Kiến trúc công cộng dân gian
• Cầu: Có các loại như cầu tre, cầu gỗ, cầu đá, cầu gạch ngói…
• Quán điếm: Quán có thể là quán nghỉ của nông dân ở goài ruộng hoặc quán chợ trong các chợ buôn bán. Điếm có thể là điếm tuần canh trong làng xóm, điếm canh đề phòng lũ lụt vỡ đê hay điếm ở ngoài nghĩa trang… Quán điếm thường có cấu tạo đơn giản, được xây dựng bằng tranh, tre, nứa, lá hoặc gạch, đá, gỗ ngói…
• Cổng làng: Làng xóm Việt Nam được bao bọc bới lũy tre và cổng làng chính là cửa ngõ của làng xóm. Vật liệu xây dựng của cổng làng thường là gạch, gỗ, ngói, đá ong,…Những cổng làng có quy mô thường có cửa đóng then cài và bảo vệ nghiêm ngặt, kết hợp với lũy tre làm thành pháo đài kiên cố chống lại giặc dã, cướp bóc hay ngoại xâm.

+ Kiến trúc vườn cảnh: Vườn cảnh là nghệ thuật tạo hình mô phỏng thiên nhiên trong một không gian giới hạn, làm nền tạo cảnh tôn cao giá trị công trình chính hoặc quần thể công trình. Vườn cảnh của Việt Nam chịu ảnh hưởng của vườn cảnh Á Đông, có nhiều nét tương tự vườn cảnh Trung Quốc và Nhật Bản, thường gồm 3 thành phần: mặt nước, cây xanh và đá núi nhỏ.
(Đọc thêm) Để bảo vệ và phát huy được giá trị lịch sử cũng như bản sắc văn hoá, nghệ thuật của các công trình như nhà ở, công sở, nhà thờ, các ngôi chùa, nhà thờ trên địa bàn Đà Nẵng, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã cùng với Phó giáo sư – Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Đình Việt, giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện đề tài “Đáng giá các công trình Kiến trúc cũ có giá trị của thành phố Đà Nẵng và đề ra các giải pháp bảo tồn, tu tạo và khai thác sử dụng”.
Qua khảo sát nghiên cứu 64 công trình nhà ở, 17 công trình công cộng và 33 công trình tôn giáo và 5 công trình khác trên địa bàn thành phố. Thông qua việc thu thập dữ liệu các bản vẽ hiện trạng, các ảnh chụp công trình và điều tra, phỏng vấn cho thấy, các công trình cũ có giá trị đều tập trung ở khu vực trung tâm thành phố, chủ yếu trên địa bàn quận Hải Châu. Các công trình kiến trúc được phân loại theo 3 dạng phong cách kiến trúc là phong cách Châu Âu, phong cách cổ truyền, phong cách Đông Dương. Hiện nay các công trình này đang được sử dụng và có chất lượng tương đối tốt nhưng cũng có một số công trình đang bị xuống cấp nguy hiểm mà tập trung ở các công trình nhà ở của tư nhân nên cần có những giải pháp về tài chính để giúp cho người dân có kinh phí sửa chữa, duy tu và bảo tồn.

Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã đề xuất và kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cần bảo tồn một số khu vực còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cũ như khu vực Ngũ Hành Sơn và làng nghề, tượng Quan Âm ở chùa quang Minh – Hoà Minh, giữ nguyên hiện trạng khu vực phía bắc là đường vòng Đống Đa gặp Bạch Đằng, phía Đông là đường Bạch Đằng và một đoạn ngắn đường 2/9, phía Nam là Trưng Nữ Vương và Nguyễn Thiện Thuật, phía Tây là Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh và Lê Lợi vì đây là khu vực khởi thuỷ của thành phố nên có nhiều công trình lâu đời ghi lại dấu ấn phát triển của thành phố Đà Nẵng, chỉ cho cải tạo, sửa chữa và không cho phát triển nhà cao tầng trong khu vực này. Mặt khác để giúp cho việc tôn tạo và phát huy được giá trị thương mại của khu vưc này thì cũng cần có biện pháp giãn dân ra các cùng lân cận, các khu dân cư mới. Đối với các công trình công cộng cần khôi phục phía bên ngoài và giữ nguyên hiện trạng đã có của công trình.
Đối với công trình tôn giáo tín ngưỡng cần xây dựng và phát triển không gian thoáng đãng, cảnh quan tốt, phá bỏ những công trình cơi nới, dựa vào cộng đồng để huy động vốn để tu bổ tôn tạo các công trình và có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước khi tu bổ tôn tạo.
Hội đồng khoa học công nghệ thành phố đã đánh giá loại khá kết quả nghiên cứu của đề tài và qua đó giúp cho Ủy ban nhân dân thành phố có được số liệu, dữ liệu cụ thể, chi tiết về hiện trạng các công trình kiến trúc cũ có giá trị để có giải pháp tôn tạo, tu bổ, giữ gìn, khai thác hợp lý và lưu giữ được giá trị lịch sử, dấu ấn phát triển thành phố qua các công trình này.


Câu 19: Bảo tàng lịch sử Hà Nội, Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng điêu khắc Chăm, Bảo tàng Dân Tộc Học Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Cung Đình Huế. Trong năm bảo tàng trên, bảo tàng nào được xây dựng gần đây nhất? Bạn giới thiệu trong vòng 5 phút về một trong năm bảo tàng nêu trên.
Gợi ý trả lời: Bảo tàng dân tộc học Hà Nội
+ Bảo tàng dân tộc học Hà Nội: Loại hình bảo tàng dân tộc học rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện trên qui mô quốc gia cũng như ở từng địa phương, bởi vì nước ta có tới 54 dân tộc. Cho nên, ngay từ năm 1981, Nhà nước đã chủ trương hình thành một Bảo tàng Dân tộc học đặt tại thủ đô Hà Nội. Công trình Bảo tàng Dân tộc học được chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật ngày 14-12-1987 và được Nhà nước cấp đất để xây dựng: năm 1987- 2.500m2, năm 1988- 9.500m2 và năm 1990 Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao toàn bộ 3,27 ha.
Suốt nhiều năm, Ban Quản lý công trình này và Phòng Bảo tàng là một bộ phận của Viện Dân tộc học. Ngày 24-10-1995, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (trực thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia). Ngày 12 tháng 11 năm 1997, Bảo tàng khánh thành.
+ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Hà Nội : được thành lập ngày 3-9-1958 (trên cơ sở Bảo tàng Lu-i Phi-nốt), đã nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm văn hoá của cả nước, lưu giữ những di sản văn hoá quý báu của quốc gia, nghiên cứu và truyền bá khoa học lịch sử thông qua những bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, minh chứng của lịch sử văn hoá lâu đời, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
+ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh : Bảo tàng được xây dựng năm 1929 với tên gọi là Bảo tàng Blanchard de la Brosse. Trong thời Pháp thuộc trưng bày các hiện vật mỹ thuật cổ châu Á. Trong thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, bảo tàng có tên gọi là Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn. Bảo tàng mở cửa tiếp đón công chúng lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1929. Đầu tiên bảo tàng được đặt tên tiếng Pháp là Blanchard de la Brosse. Năm 1956, bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Quốc gia. Năm 1979, được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử.
+ Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế[1] là một viện bảo tàng tại số 3, Lê Trực, Huế. Tòa nhà chính của viện bảo tàng bằng gỗ, có 128 cây cột quý, trên các cột có hình chạm khắc tứ linh: long – li – quy – phụng và hơn 1000 bài thơ bằng chữ Hán, là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua nhà Nguyễn có niên hiệu là Thiệu Trị. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế giúp người tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.
Nằm trong Thành Nội, đây là Bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế vào năm 1923, với danh xưng đầu tiên là Musee’ Khải Định. Sau đó, nó đã năm lần được thay đổi tên:
Tàng Cổ Viện Huế (từ năm 1947, dưới thời hội đồng chấp chính Trung Kỳ).
Viện bảo tàng Huế (dưới thời Ngô Đình Diệm).
Nhà trưng bày cổ vật (từ năm 1979).
Bảo tàng cổ vật Huế (từ năm 1992).
Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế (từ năm 1995).
Dù sao cũng đã có một thời, nhất là trước năm 1945, nó là một trong những bảo tàng sáng giá nhất Đông Dương và được nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều học hội trên thế giới biết đến.
Thật vậy, mãi đến giữa thế kỷ này, học giới trong nước và ngoại quốc vẫn cho rằng tại Việt Nam, những bảo tàng nỗi tiếng nhất về lịch sử và mỹ thuật là bảo tàng Louis Finot (nay là bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội), bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), bảo tàng Parmentier (nay là bảo tàng chàm ở Đà Nẵng) và Musee’ Khải Định. Đó là những bảo tàng vừa có giá trị quốc gia vừa có gíá trị quốc tế, được thành lập từ những thập niên đầu thế kỷ XX.
Riêng Musee’ Khải Định là một tổ hợp động sản và bất động sản gắn liền với triều đại nhà Nguyễn (1802-1945).
Khuôn viên bảo tàng rộng đến 6.330 m2, trong đó có tòa nhà chính ở giữa với diện tích mặt bằng 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm kho tàng trữ cổ vật, sân vườn,…Tòa nhà chính vốn là ngôi điện Long An nằm trong cung Bảo Định được xây dựng năm 1845 ở bờ Bắc Ngự Hà. Đó là một biệt cung để vua Thiệu Trị (1841-1847) thỉnh thoảng đến tiêu khiển và làm chỗ nghỉ chân hàng năm khi ra cày ruộng Tịch điền ở gần đó. Vào năm 1909, thời vua Duy Tân, triều đình cho dời điện Long An đến vị trí hiện nay để làm thư viện của trường Quốc Tử Giám kề ngay đó. Đến năm 1923, do đề nghị của hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des Amis du Vieus Hue), Nam Triều cho di chuyển toàn bộ tài liệu sách vở trong thư viện này qua một dãy nhà nằm bên trái Di Luân Đường trong khuôn viên trường Quốc Tử Giám, rồi đặt cho nó cái tên mới là Bảo Đại thư viện, còn tòa điện Long An cũ thì dùng làm Musee’ Khải Định.
Người xưa đã rất có lý khi dùng điện Long An làm bảo tàng. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ bằng gỗ lim, được xây dựng theo phong cách nghệ thuật kiến trúc cung điện độc đáo của Huế. Ngôi điện được làm theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” với 128 cột. Trang trí nội ngoại thất cực kỳ phong phú, giàu tính nghệ thuật và rất thanh nhã.
Cố họa sĩ Phạm Đăng Trí đã từng nhận xét: “Những lần tôi đến đây thường say sưa ngắm những ô hộc chạm xương hay khảm xà cừ nằm trong liên ba thành vọng đủ cỡ vòng quanh mấy hàng cột trông giống như những nghi môn có lớp cao lớp thấp. Càng ngắm tôi càng nhận thấy phần trang trí trong kiến trúc thời Thiệu Trị là tinh vi hơn cả so với những thời khác tại Huế. Nó vừa lộng lẫy lại vừa thanh nhã và khéo điểm sáng những chỗ chính, tô mờ những chỗ phụ, trang sức trong những đoạn cần thiết mà thôi”.
Trên bờ nóc và bờ quyết thì trang trí hình “lưỡng long tranh châu” và hình “tứ linh: long lân quy phụng”. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã đồng ý với nhau rằng đây là “tòa nhà nguy nga tráng lệ vào hạng đẹp nhất của các cung điện Việt Nam”. Như vậy, riêng điện Long An đã là một hiện vật bảo tàng qúy báu rồi.
Phần lớn các hiện vật trong bảo tàng này đã được sưu tập và tàng trữ từ năm 1913, khi hội Đô Thành Hiếu Cổ bắt đầu thành lập và hoạt động, đến tháng 3 năm 1975, khi xảy ra cuộc đảo chính Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, học hội ấy cũng bị tan rã. Bấy giờ, số hiện vật trưng bay và tàng trữ ở đây đã lên đến gần 10.000 đơn vị. Chúng được chế tác bằng đủ loại nguyên liệu như vàng, bạc, đồng, thủy tinh, đất nung, đá, gỗ, mây, tre vải, da, giấy, …Phần lớn là đồ ngự dụng, quan dụng, đồ dùng của triều đình, hoàng gia, các tác phẩm mỹ thuật từng được trưng bày trong các cung điện tại kinh triều Nguyễn.
Trải qua sự hủy hoại của thời gian và sự thất thoát do lòng tham của con người, số cổ vật ở đó không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng, ngày nay khi đến đó, du khách vẫn còn chiêm ngưỡng được hàng trăm hiện vật qúy hiếm như ngai vàng, kiệu vua, long sàn, ngự y, áo hoàng thái hậu, hài hoàng hậu, sập gụ tủ chè, tranh thơ ngự chế, đồ sành đồ sứ, đồ bạc, đồ đồng, đồ pháp lam, …được trưng bày trong điện này.
Phần lớn đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các “bàn tay vàng” một thời làm ra theo lệnh của triều đình, hoặc để cung tiến cho vua. Chúng không phải là những mặt hàng sản xuất hàng lọat, mà mỗi thứ chỉ có một bộ hoặc một chiếc duy nhất. Qúy hiếm và độc đáo là vậy.
Ngoài các hiện vật được trưng bày, bảo tàng còn cất giữ hàng ngàn hiện vật khác co triều đình cho sản xuất tại chỗ, đặt làm, hoặc mua từ ngoại quốc, và do các phái bộ ngoại giao mang đến biếu tặng. Nhiều nhất ở đây là dồ sứ men lam, thường được gọi là “Bleu de Hue’ “. Đây là “đồ kiểu” được chế tác bằng kỹ thuật cao, do triều đình nhà Nguyễn đặt làm từ các lò sản xuất đồ gốm nổi tiếng bên Trung Hoa, căn cứ theo sở thích, mẫu mã, kích cỡ mà vua quan Việt Nam nêu ra trong “đơn đặt hàng”. Trong kho gốm men cũng có một số đồ sản xuất tại Pháp, Nhật, Anh, Mỹ ….khoảng 100 bộ áo quần của các vua, hòang hậu, hòang tử, quan lại, lính tráng cũng đang được lưu giữ ở kho đồ vải.
Trong khuôn viên bảo tàng này, còn có một nhà kho khác tàng trữ hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa, và mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm đã từng được những nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quy hiếm chẳng những của vùng Viễn Đông mà còn của thế giới nữa. Nhìn chung, ngôi điện Long An cổ kính cũng như các hiện vật ở đây có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách quốc nội và quốc tế, xưa nay, khi đến viếng cố đô.
+ Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam, trực thuộc Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là bảo tàng do người Pháp xây dựng, chuyên sưu tập, cất giữ và trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm Pa tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
Tọa lạc tại ngã gần ngã ba 2 tuyến phố đẹp nhất thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng được chính thức khởi công xây dựng tháng 7 năm 1915 với sự giúp đỡ của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội. Năm 1936, công việc xây dựng được hoàn thành. Năm 2002, bảo tàng được cải tạo và mở rộng thêm. Hiện nay, bảo tàng có tổng diện tích là 6.673 m², trong đó phần diện tích trưng bày là 2.000 m².

Câu 20: Anh Chị cho biết chức năng của Đàn Nam Giao.
Gợi ý trả lời: Đàn Nam Giao được xây dựng vào năm 1803, đặt tại làng An Ninh, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía nam của kinh thành Huế, trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế.
Đàn gồm 3 tầng, xây chồng lên nhau, tượng trưng cho “tam tài”: thiên, địa, nhân; xung quanh là các bó gạch xếp chắc chắn. Nền đàn có kích thước 340×265 mét.
• Tầng trên cùng: hình tròn – Viên Đàn – tượng trưng cho trời, xung quanh có lan can quét vôi màu xanh. Đường kính 40,5 m cao 2,8 m. Trên nền Viên Đàn có lát những phiến đá Thanh được khoét lỗ tròn. Đến kỳ tế lễ, những lỗ này được dùng để cắm cột dựng lều vải màu xanh hình nón, gọi là Thanh Ốc.
• Tầng tiếp theo: hình vuông – Phương Đàn – tượng trưng cho đất, lan can quét vôi màu vàng.Kích thước 83×83 m, cao 1 m. Khi tế, người ta dựng lều vải màu vàng, gọi là Hoàng Ốc.
• Tầng dưới cùng: hình vuông, lan can quét vôi màu đỏ, tượng trung cho con người. Có kích thước 165×165 m, nền cao 0,85 m.
Cả ba tầng đều trổ cửa và bậc cấp ở 4 mặt Đông, Tây, Nam, Bắc. Xung quanh ba tầng đàn này còn có các công trình như Trai Cung (dành cho vua vào nghỉ ngơi trai giới trước khi tế vài ngày), Thần Trù (nhà bếp, nơi chuẩn bị các con vật cúng tế), Thần Khố (kho chứa đồ dùng cho cuộc tế) và một số công trình phụ khác.
Theo quan niệm xưa “Vua là Thiên tử” (con trời) nên chỉ có vua mới được quyền cúng tế trời đất (cha mẹ của vua), cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tạ ơn trời đất. Lễ Tế Giao đầu tiên dưới thời Nguyễn được tổ chức năm 1807 và từ đó trở đi được tổ chức vào mùa xuân hàng năm cho đến thời Thành Thái, vào năm 1907, thì đổi lại 3 năm một lần.
• Chủ tế: nhà vua và các quan phải trai giới 3 ngày trước khi tế. (Dưới thời Bảo Đại, thời gian trai giới rút xuống còn 1 ngày).
• Vật tế: Được gọi là những “con sinh”, đó là những con vật như trâu, heo, dê.
• Dọc đường từ Đại Nội đến Giao Đàn, nhân dân phải kết cổng chào, lập hương án đón đám rước nhà vua đi qua.

Câu 21: Anh/Chị hãy cho biết chức năng của Điện Cần Chánh.
Gợi ý trả lời: Điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành (Huế), là nơi vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triều Nguyễn, hiện nay đã trở thành phế tích do bị phá huỷ từ năm 1947.
Điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Về tổng thể, Điện Cần Chánh được bố trí trên trục chính (đường “Dũng đạo”) của Đại Nội – nằm giữa điện Thái Hoà (nơi thiết triều chính) và điện Càn Thành (nơi ở của vua). Trước Điện Cần Chánh có “Sân bái mạng”, là nơi tập hợp văn võ bá quan khi chầu vua, dâng biểu. Điện cùng với nhà tả vu, hữu vu (phục vụ việc chuẩn bị nghi lễ và chiêu đãi khách) họp thành bố cục kiến trúc hình chữ môn
Điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành. Nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh với diện tích mặt nền gần 1000m2. Chính điện có 5 gian, 2 chái kép; tiền điện 7 gian, 2 chái đơn, hai bên đông tây có 4 hồi lang mỗi bên 5 gian nối qua điện Văn Minh, Võ Hiển và qua Tả Vu, Hữu Vu. Bộ khung gỗ gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim . Phần lớn kết cấu bộ khung bên trên ( như xuyên, trến, kèo, đòn tay, hệ thống con-xon, các liên ba…) đều được chạm trổ trang trí rất tinh xảo, công phu.
Ngôi điện này đã phá hủy hoàn toàn vào đầu năm 1947. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố Đô Huế cùng với Đại học Waseda Nhật Bản đang triển khai thực hiện dự án phục nguyên điện Cần Chánh bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 triệu USD
Điện Cần Chánh là nơi vua tổ chức lễ thiết triều vào các ngày mùng 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra điện còn là nơi vua Nguyễn tiếp đón các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ. Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo các bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước lồng trong khung kính. Điện Cần Chánh còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn như các đồ sứ quý hiếm của Trung Hoa, các hòm tượng ấn vàng, ấn ngọc của triều đại.
Về Đầu Trang Go down
https://danangikeyer.forumvi.com
Sponsored content





GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG   GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG I_icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐÀ NẴNG
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN  :: TƯ VẤN - HỎI ĐÁP-
Chuyển đến