CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN

ĐÀ NẴNG IKEYER
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Thăng Long Hà Nội thời Nguyễn

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 131
Join date : 28/09/2010

Thăng Long Hà Nội thời Nguyễn Empty
Bài gửiTiêu đề: Thăng Long Hà Nội thời Nguyễn   Thăng Long Hà Nội thời Nguyễn I_icon_minitimeWed Sep 29, 2010 8:21 pm

I. CÁC SỰ KIỆN LỊCH SỬ CHÍNH

CUỘC ĐÁNH CHIẾM BẮC THÀNH CỦA GIA LONG


Cuối tháng 6 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Quang Toản phải bỏ kinh đô Phú Xuân, chạy ra đến Bắc Thành, đổi lại niên hiệu là Bảo Hưng và ra sức chuẩn bị lực lượng để phản công quân Nguyễn. Đến tháng 12, Quang Toản đem 3 vạn quân vượt sông Gianh tiến đánh quân Nguyễn, nhưng bị thất bại. Nguyễn Quang Toản đem tàn quân chạy thoát ra Bắc.

Nguyễn Ánh thắng trận, đem quân trở về Phú Xuân. Trước khi tiến quân ra Bắc Hà, ngày mùng 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lập đàn Nam Giao làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Gia Long.
Ngày 21 tháng 5 năm ấy, đại quân của Gia Long bắt đầu ra đi từ Phú Xuân. Ngày 28, quân Nguyễn đánh lấy Hà Trung. Ngày 1 tháng 6, thủy quân Nguyễn đánh vào cửa Hội, tiến lên chiếm Vĩnh Dinh, bắt được con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Lân. Sau đấy, Gia Long chiếm Nghệ An. Ngày mùng 5, tiến quân đến Thanh Hóa, chiếm Dương Xá (trấn lỵ Thanh Hóa, bắt được Quang Bàn (em Quang Toản). Ngày mùng 7, Phó đô thống chế Vũ Văn Doãn bắt được Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và một số tướng lĩnh ở Thanh Chương (Nghệ An); Vũ Văn Dũng cũng bị bắt ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Ngày mùng 9, bộ binh Nguyễn đánh lấy Tam Điệp, rồi tiến ra Ninh Bình và lấy Châu Cầu (Phủ Lý). Thủy quân Nguyễn vào sông Hồng, ngược lên Vị Hoàng (Nam Định). Ngày 17, quân Nguyễn tiến vào Bắc Thành - Thăng Long, bắt được hơn 100 con voi.

Ngày 21 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long vào Bắc Thành - Thăng Long. Cuộc hành quân của quân Nguyễn từ Phú Xuân (Huế) ra đến Thăng Long (Bắc Thành) vừa đúng một tháng tròn.

Vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản biết thế không thể chống giữ được, liền cùng với các em là Quang Thùy, Quang Thiệu, Quang Dung và các bầy tôi là Tư mã Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Tứ, Đô đốc Tú sang sông Hồng, chạy lên Xương Giang (Bắc Giang), nhưng thế cùng lực kiệt, người thì tự tử, kẻ thì bị bắt. Triều đại Tây Sơn đến đây là chấm dứt.

VIỆC SẮP ĐẶT CƠ QUAN HÀNH CHÍNH TẠI THĂNG LONG

Sau khi chiếm được Bắc Thành từ tay triều Tây Sơn, Gia Long không định đô ở đây mà chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô của cả nước. Từ đấy, kinh thành Thăng Long phải chịu một sự chuyển đổi lớn: từ kinh thành trong hơn 800 năm trước trở thành trấn thành rồi dần dần trở thành tỉnh thành. Sự chuyển đổi ấy có nhiều lý do: một là các chúa Nguyễn đã từng ở Phú Xuân (Huế) trong mấy trăm năm (từ 1687), ảnh hưởng của nhà Nguyễn tại miền này có nhiều mà nền nếp tổ chức đã có sẵn, cho nên vua Gia Long nhà Nguyễn lúc này không muốn dời đi nơi khác; hai là nhân dân ngoài Bắc khi ấy không tín nhiệm nhà Nguyễn và nhất là tầng lớp sĩ phu Bắc Hà vẫn tưởng nhớ nhà Lê, cho nên việc đóng đô ở Thăng Long là không có lợi cho nhà Nguyễn. Do đấy, Gia Long đã quyết định đóng đô ở lại nơi cũ là Phú Xuân, không ra Thăng Long và cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành.

Lên ngôi năm 1802, Gia Long vẫn giữ tổ chức Bắc Thành nhưng rút lại còn có 5 nội trấn là Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương và 6 ngoại trấn là: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, An Quảng, Hưng Hóa.

Như vậy là Gia Long giải tán Thanh Hóa ngoại trấn (cho lệ vào Sơn Nam hạ) và phủ Phụng Thiên (đến năm 1805 sẽ gọi là phủ Hoài Đức), vì là lỵ sở của Bắc Thành nên lệ vào trấn Bắc Thành.

Tại Bắc Thành cũng vào năm 1802, ngoài việc đặt chức Tổng trấn, Gia Long cho thiết lập bốn tào: Hộ, Binh, Hình và Công chuyên phụ trách các mặt kinh tế, quân sự và pháp luật. Triều đình lấy chức Tham tri phụ trách các Tào của Bắc Thành. Những viên quan đứng đầu các Tào nói trên đều là quan lại cao cấp ở các bộ tương đương được biệt phái đến. Thí dụ như viên quan Hữu tham tri bộ Hộ tại kinh đô Huế, được cử ra phụ trách Hộ Tào; viên quan Hữu tham tri bộ Binh thì phụ trách Binh Tào v.v...

Tháng 8 năm Nhâm Tuất (1802), tại phủ Phụng Thiên, nơi đóng lỵ sở của Bắc Thành (Thăng Long), Gia Long cho đặt “một An phủ sứ và một Tuyên phủ sứ thống trị hai huyện” Vĩnh Xương và Quảng Đức (Đại Nam thực lục (gọi tắt là Thực lục). Nxb Giáo dục, H. 2002, tập I, tr. 518). Trong đó An phủ sứ là võ quan, phẩm trật vào hàng Tòng tứ phẩm, Tuyên phủ sứ là văn quan cũng có hàm Tòng tứ phẩm. Như vậy, mặc dù Gia Long đã bỏ chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên thời Lê trước đây, nhưng vẫn đặt viên quan đứng đầu phủ này ở quan hàm gần ngang với viên quan đứng đầu các trấn. Dưới thời Gia Long, chức Trấn thủ đứng đầu các trấn là võ quan có hàm Chánh tam phẩm, và dưới văn quan là chức Tham hiệp hàm Chánh tứ phẩm. Các viên tri phủ đứng đầu các phủ trong các trấn chỉ có hàm Chánh lục phẩm. (Thực lục, Sđd, tập I, tr. 596, 597).

Năm 1805, Gia Long đổi gọi phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức, và huyện Quảng Đức thành Vĩnh Thuận. Huyện Thọ Xương có 8 tổng, 194 phường, thôn, trại, còn huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng, 56 phường, thôn, trại(1 ).
Tháng 8 năm Ất Sửu (1805), lấy cớ chữ Long (Rồng) là tượng trưng cho vua, chỉ có thể dùng cho kinh sư mà thôi, Gia Long đã đổi chữ Long (trong tên Thăng Long) là Rồng thành chữ Long là Thịnh. Cũng với tinh thần đó, chữ Hoàng Thành từ nay không được dùng nữa.

SỨ THANH TỀ BỐ SÂM SANG PHONG VƯƠNG CHO GIA LONG TẠI THĂNG LONG
Tháng 8 năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long sai Lê Quang Định làm Chánh sứ, Lê Chính Lộ và Nguyễn Gia Cát sung Giáp ất phó sứ sang nước Thanh cầu phong và xin đổi quốc hiệu là Nam Việt. Để chuẩn bị cho công việc bang giao quan trọng này, Gia Long, trước đó đã cho triệu Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan, Phan Huy Ích đến Thăng Long vì “bọn Nhậm vốn là bầy tôi cũ của triều Lê, đã quen công việc. Huy Ích lại từng làm sứ thần của giặc (tức Tây Sơn - TG) đi sang nước Thanh, bèn hạ lệnh cho ở ngoài đề phòng hỏi đến”. (Thực lục, Sđd, tập I, tr. 505). Ngoài ra, Gia Long còn lệnh cho quan phụ trách Bắc Thành noi theo thể thức thụ phong dưới triều Lê, xây thêm điện vũ. Đặt điện Cần Chánh ở bên trong 5 cửa trước điện Kính Thiên, ngoài cửa điện Cần Chánh dựng một cái rạp dài, đằng trước đặt cửa Chu Tước và dựng nhà tiếp sứ Thanh ở bên sông Hồng.

Khoảng tháng 8 năm Quý Hợi (1803), nhà Thanh đưa thư nói sứ thần Việt Nam là Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức đã đến Yên Kinh. Vua Thanh sẽ sai Án sát sứ Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang tuyên phong. Nhận được tin đó, Gia Long ngay lập tức khởi hành xa giá đi Bắc tuần. Tháng 10 năm ấy, Gia Long đến hành cung Thăng Long.

Tháng giêng năm Giáp Tý (1804), sứ Thanh là Án sát Quảng Tây Tề Bố Sâm sang đến Thăng Long.

Trước đó, Gia Long sai Lê Quang Định sang xin phong và xin đổi quốc hiệu, trong thư đại lược nói: “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối 200 năm. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn cõi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”. Vua Thanh cho rằng chữ Nam Việt giống như Đồng Tây Việt, gợi nhớ cái thời phương Nam lớn mạnh của Triệu Đà, nên không muốn cho. Gia Long hai ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. “Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước...”. (Thực lục, Sđd, tập I, tr. 580).

Lễ tuyên phong được tổ chức long trọng tại thành Thăng Long. Vào sáng sớm, Gia Long sai đặt lỗ bộ đại giá ở sân điện Kính Thiên đến cửa Chu Tước, ngoài cửa đến bên sông Hồng thì bày nghi vệ binh tượng. Lại sai Tôn Thất Cương cùng mấy viên quan nữa đến công quán Gia Quất ở bến sông để nghênh tiếp Tề Bố Sâm.

Gia Long đứng chực sẵn ở cửa Chu Tước, có hoàng thân và bá quan theo hầu. Sứ Thanh Tề Bố Sâm đến, vào điện Kính Thiên làm lễ tuyên phong. Nguyễn Văn Thành sung việc thụ sắc, Phạm Văn Nhân sung việc thụ ấn. Lễ xong, Gia Long mời Tề Bố Sâm đến điện Cần Chánh, thong thả mời trà rồi lui.
Sau đó, Gia Long đặt yến ở công quán Gia Quất, tặng biếu phẩm vật. Tề Bố Sâm nhận lấy the, lụa, vải, sừng tê, kỳ nam, còn thừa đều trả lại. Sau đó Bố Sâm tặng biếu phẩm vật, Gia Long sai thu nhận một vài thứ để lấy lòng sứ Thanh. Tề Bố Sâm lên đường về nước. Gia Long sai Tôn Thất Chương đưa đi một trạm, còn các quan hậu mệnh có trách nhiệm hộ tống Sâm ra tới tận cửa ải Mục Nam Quan (Lạng Sơn).

II. XÂY THÀNH THĂNG LONG MỚI
Theo Phương Đình địa dư (Quyển 5, tr. 2a): Năm Gia Long thứ 4 (1805) phá
thành cũ (do nhà Lê xây đắp - TG) và xây lại một tòa thành mới. Thành mới này hình gần vuông, chu vi 1295 trượng (khoảng 5km?). Tường thành cao 1 trượng 3 thước 2 tấc (khoảng trên 4m ?), dày 4 trượng (khoảng 16m ?).
Như vậy tòa thành này tồn tại đến năm 1895 thì bị thực dân Pháp phá hủy mà di tích còn lại nay là Cửa Chính Bắc Môn trên phố Phan Đình Phùng và nền Hành Cung (tức vị trí điện Kính Thiên đời Lê) với thềm đá có 9 bậc và 4 con rồng làm tay vịn.

Thành này phía dưới xây bằng đá xanh, phía trên bằng gạch hộp. Thành mở 5 cửa: Bắc, Đông, Tây, Đông Nam và Tây Nam. Bên ngoài mỗi cửa thành có Dương Mã thành là một loại công sự bảo vệ gồm hai bức thành vuông góc nhô ra phía ngoài. Mỗi Dương Mã thành có một cửa bên rộng 1 trượng (khoảng 4 m), gọi là Nhân Môn. Từ ngoài vào, phải qua cửa Nhân Môn rồi mới đến cửa chính. Chung quanh thành có hào nước rộng chừng 4 trượng (16 m).
Bên trong thành, chính giữa có điện Kính Thiên vẫn ở vị trí cũ, trên núi Nùng, chỉ mở cửa khi vua ngự giá Bắc tuần, hoặc tiếp sứ thần phương Bắc. Phía trước điện Kính Thiên có cửa Đoan Môn cũng là một di tích của Hoàng thành đời Lê. Hai bên đông và tây là công đường, dinh thự, kho tàng và doanh trại quân lính. Trước mặt Đoan Môn, xây Kỳ Đài tức Cột Cờ. (Đây là một công trình may mà còn sót lại sau khi thực dân Pháp phá thành năm 1894 – 1896. Nay còn lừng lững đấy mà một số sách báo vẫn thường cung cấp những thông tin thiếu chính xác. Cột Cờ chính ra hình tám cạnh – chứ không phải sáu cạnh và từ mặt đất lên đến đỉnh cao 33,4 m – chứ không phải 60 m).
Cột cờ được xây năm 1805 (hoặc 1812) gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều 42,5 mét, cao 3,1 mét, có hai thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều 27 mét, cao 3,7 mét có bốn cửa. Tầng ba mỗi chiều 12,8 mét, cao 5,1 mét, cũng có bốn cửa: hướng đông trên có đắp hai chữ “Nghênh húc” (đón ánh nắng ban mai), cửa tây với “Hồi quang” (trả lại ánh sáng), cửa nam với “Hướng minh” (hướng về ánh sáng), cửa bắc không có chữ đề song có cầu thang dẫn lên đỉnh. Trên tầng này là thân cột cờ, hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, cao 18,2 mét, mỗi cạnh đáy chừng 2 mét. Trong thân này có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh.
Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, cao 3,3 mét, có tám cửa sổ tương ứng tám cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính từ 0,4 mét, cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cán cờ cao 8 mét, mới làm thời Pháp). Như vậy toàn bộ cột cờ có chiều cao 33,4 mét. Nếu kể cả trụ treo cờ thì trên 41 mét.

Năm 1831, Minh Mạng cải tổ lại bộ máy hành chính, bỏ các trấn, chia cả nước làm 29 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên (tương đương với cấp tỉnh), trong đó có tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nội bao gồm 4 phủ là Hoài Đức (gồm cả kinh thành Thăng Long), Ứng Hòa, Lý Nhân và Thường Tín, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ. Năm Minh Mạng 16 (1836), vua này cho hạ thấp tường thành đi 1 thước 8 tấc (theo Phương Đình địa dư. Quyển 5, tờ 2a).
Năm 1848, Tự Đức cho dỡ hầu hết những cung điện ở trong thành Hà Nội, những đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ, bằng đá đều đưa vào Huế. Từ đây trở đi tỉnh thành Hà Nội không có gì thay đổi nữa, cho đến 50 năm sau thì bị thực dân Pháp phá bỏ.

III. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn với hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, gần
tương đương với nội thành Hà Nội ngày nay: Thọ Xương tương đương với quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, Vĩnh Thuận tương đương với quận Ba Đình và quận Đống Đa. Đời Gia Long, Thọ Xương có 194 phường, thôn thuộc 8 tổng; Vĩnh Thuận có 56 phường, thôn, trại, thuộc 5 tổng. Cuối đời Minh Mạng, do sự thay đổi về hành chính, một số thôn nhỏ được sáp nhập lại và tổng số phường, thôn có giảm bớt. Thọ Xương còn 116 phường, thôn; Vĩnh Thuận có 27 phường, thôn. Số dân Hà Nội vào giữa thế kỷ XIX, theo ước đoán của một số tác giả nước ngoài, khoảng từ 100.000 đến 150.000 người.
So với những thế kỷ trước, sự phát triển kinh tế của Thăng Long - Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX không được đồng đều. Các phường, thôn, trại, tập trung chủ yếu ở phía tây và phía nam chuyên về nông nghiệp kết hợp một số nghề thủ công cổ truyền. Bộ mặt thành thị của Thăng Long - Hà Nội dồn về phía đông và mở rộng thêm về phía đông nam. Đó là khu vực gần tương đương với quận Hoàn Kiếm ngày nay. Sách Đại Nam nhất thống chí đời Nguyễn ghi nhận: “Ở quanh phía đông-nam tỉnh thành gồm 21 phố, nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng, nhân vật cũng phồn thịnh”. Khu vực này, phố phường dọc ngang như bàn cờ, nhà cửa san sát, cư dân đông đúc. Các đường phố phần nhiều lát gạch ở lòng đường, rộng chừng 1m; nhưng cũng có phố, như phố Hàng Ngang, “lát bằng những phiến đá cẩm thạch lớn” (A.Bourrin - Le vieux Tonkin, H. 1941, tr. 36). Cụm kiến trúc Phủ Chúa đã bị phá hủy và vùng xung quanh hồ Hoàn Kiếm cũng nhanh chóng trở thành khu dân cư đông vui với phố Hàng Thêu (Hàng Trống) do người vùng Quất Động, Hướng Dương (Thường Tín, Hà Tây) lập ra, phố Hàng Tiện do người Nhị Khê (cũng thuộc Thường Tín) đến hành nghề, ngõ Hàng Hành có dân nghề da Tam Lâm (Gia Lộc, Hải Dương) cư trú, phố Hàng Sũ là các lò làm đồ mộc của dân Liễu Viên (cũng thuộc Thường Tín)...

Khu trung tâm buôn bán và làm nghề thủ công của Hà Nội thế kỷ XIX là khu nằm ở giữa thành tỉnh và bờ sông Hồng. Khu này nằm trên mảnh đất mà bây giờ ta quen gọi là “Khu phố cổ”. Các phố phường chợ búa tập trung chủ yếu ở khu vực này.

Một khu vực khác chuyển thành khu dân cư là khu đất chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Khu vực này nếu như trong các thế kỷ XVII-XVIII đã từng là một nơi nguy nga tráng lệ với các cung điện, dinh thự của vua Lê, chúa Trịnh, thì bây giờ đã thay đổi diện mạo. Các công trình kiến trúc xưa kia đều trở nên hoang phế sau những cơn binh lửa. Một vài công trình mới mang tính chất tôn giáo và văn hóa được dựng lên.

Quần thể kiến trúc Ngọc Sơn bắt đầu được xây dựng vào các năm 1841, 1842 dưới thời Thiệu Trị (1841-1847). Đền này vốn thờ Quan Đế được xây dựng trên một gò đảo vốn tên là Núi Ngọc. Trên bờ hồ phía đông chúa Trịnh Doanh cho đắp núi Độc Tôn, bờ phía tây đắp núi Ngọc Bội để kỷ niệm chiến công đánh tan cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương ở vùng có hai ngọn núi Độc Tôn, Ngọc Bội thuộc khu vực Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Năm 1843, đền được giao cho một hội thiện quản lý và thờ thêm Văn Xương đế quân [Sau này lại thờ thêm Đức thánh Trần (Trần Quốc Tuấn)]. Vào hai năm 1864-1865, danh sĩ Bắc Hà Nguyễn Văn Siêu đứng ra sửa lại đền và tạo dựng thêm một số công trình văn hóa cho quần thể di tích này. Nguyễn Văn Siêu cho bắc một chiếc cầu bằng gỗ nối liền bờ và đền. Cầu làm theo kiểu bán nguyệt. Lúc bấy giờ, từ đền Ngọc Sơn ra đến bờ sông chưa có nhà cửa mà chỉ có một bãi dâu rộng mênh mông, do đó ánh nắng ban sớm chiếu xiên từ ngoài sông vào mặt hồ và vào cầu. Vì thế mà Nguyễn Văn Siêu đặt tên cầu là “Thê Húc”, ngụ ý là: “Ánh mặt trời ban mai đậu vào cầu”.

Trên núi Độc Tôn, ông cho xây một ngọn tháp bằng đá xanh, hình cái bút lông, gọi là Tháp Bút, thân tháp viết 3 chữ lớn: “Tả thanh thiên” (Viết lên trời xanh), ngụ ý văn chương cần viết những gì cao đẹp, khí phách. Trên cổng phía trong, đặt một cái nghiên mực bằng đá, gọi là Đài Nghiên (1 ).

Năm 1842, trên nền cũ của lầu Ngũ Long, Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) Nguyễn Đăng Giai cho xây dựng ngôi chùa Báo Ân. Chùa xây dựng với quy mô lớn, trên một khoảng đất rộng gần 100 mẫu. Chùa trông ra hồ Hoàn Kiếm, mặt sau chùa dựa vào đê. Chùa làm hơn 4 năm mới xong, rộng 180 gian và có 36 nóc. Chùa còn có nhiều gác chuông, tháp trong đó có tháp Hòa Phong (đón Gió Lành) ở phía trước cổng, ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm, hiện nay vẫn còn. Bốn mặt chùa có một hào nước uốn quanh, bao bọc lấy chùa. Trong hào có trồng sen, nên người đương thời gọi là chùa Liên Trì, và cũng có người gọi là chùa Quan Thượng, vì do một viên Tổng đốc (hàm Thượng thư) dựng lên.

Văn Miếu đã có ở Thăng Long - Hà Nội, từ thế kỷ XI (1070), được các đời sau tiếp tục tu bổ, tân trang. Các vua nhà Nguyễn đôi khi cũng tu bổ thêm. Năm 1802, Gia Long cho xây Khuê Văn Các và bỏ nhà Thái học (phía sau Văn Miếu) chuyển làm điện Khải Thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử. Năm 1809, lấy cớ Văn Miếu ở các thành phủ lấy Văn Miếu kinh sư làm chuẩn, Gia Long đưa Chu Văn An ra ngoài, không để thờ tại Văn Miếu Thăng Long nữa.
Trường thi Hương, từ thế kỷ XVIII trở về trước, đặt ở Quảng Bá, gần Hồ Tây, đến đầu thời Nguyễn được đưa về khu vực phố Trường Thi (địa điểm Thư viện Quốc gia ngày nay) đặt ở gần hồ Hoàn Kiếm. Đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), triều đình cho xây gạch xung quanh, chu vi 182 trượng 1 thước (728 m), bên trong gồm 21 tòa, đường, viện.

Năm 1813, Gia Long cho dựng Cục Bảo Tuyền ở cửa Tây Long ngoài thành (ở khoảng đầu phố Tràng Tiền ngày nay). Lấy Cai cơ Trương Văn Minh làm Bảo Tuyền cục đại sứ, Hiệp tổng trấn Bắc Thành Lê Chất kiêm lãnh Giám đốc. Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), Cục Bảo Tuyền đổi tên thành Cục Thông Bảo.
Mặc dù không còn giữ vị trí là kinh đô của cả nước, nhưng đời sống văn hóa của Thăng Long - Hà Nội ở thế kỷ XIX cũng không có gì giảm sút so với các thế kỷ trước. Không khí học tập ở Hà Nội vẫn sôi nổi như xưa, mặc dù có thiếu đi những kỳ thi Hội trước kia, cứ ba năm một lần tại triều đình. Văn Miếu Hà Nội vẫn là nơi mỗi tháng đôi lần các danh nho, danh sĩ tới bình văn giảng sách như ở thời Lê-Trịnh. Khoảng giữa thế kỷ XIX, ở Hà Nội có nhiều trường tư, nhiều quán trọ được mở ra, đón học trò và kẻ sĩ khắp nơi về trọ học và đi thi.

Một trong những ngôi trường nổi tiếng ở Hà Nội ngày ấy là trường Tự Tháp của ông Nghè Vũ Tông Phan (1804-1862). Khi đó trường học là một ngôi nhà năm gian dựng ngay bên mép hồ Hoàn Kiếm, có thể tương ứng với các số nhà 14 và 16 phố Lê Thái Tổ (mặt sau là báo Nhân Dân).

Một trường khá nổi tiếng nữa là trường Phương Đình của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), dấu tích còn lại ở nhà số 12 - 14 phố mang tên ông, đó là đất giáp Giang Nguyên, thôn Cổ Lương, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đây là khu nhà cũ của Thần Siêu, nơi đó ông đã mở trường dạy học. Hiện nay, số nhà 20 phố Nguyễn Văn Siêu chính là đình cũ của giáp Giang Nguyên, vẫn có kê bàn thờ ông. Và đình của thôn Cổ Lương thì ở trong ngõ số nhà 28, từng là nơi mà học trò tứ trấn thường xin ở đậu, ngủ nhờ trong thời gian về Hà Nội, nghe thày Phương Đình giảng bài. Hoặc số nhà 7 phố Tràng Thi là đất trường Vũ Thạch cũ, tức là trường của ông Cử nhân làng Vũ Thạch, huyện Thọ Xương: Nguyễn Huy Đức (1824-1898), một nhà nho yêu nước.

Ngoài ra, còn có các trường đáng kể nữa như trường của các ông Phạm Hội ở thôn Tự Tháp (Hàng Trống); ông Đốc Mọc Lê Đình Diên ở Ô Nghĩa Dũng (Hàng Đậu); ông cử Kim Cổ Ngô Văn Dạng ở phố Hàng Hài (đầu phố Hàng Bông). Lớp nho sinh Hà Nội của các trường nói trên, sau này đã có rất nhiều người đỗ đạt, làm nên các bậc đại thần, nhưng phần lớn vẫn tỏ lòng kính trọng và biết ơn của mình đối với người thầy cũ, như trường hợp của các Hình bộ Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp, Lại bộ Thượng thư Nguyễn Tư Giản, Khâm sai Vũ Duy Ninh đối với người thầy đáng kính: ông Nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan.
Một di tích văn hóa nữa, hiện còn lại ở Hà Nội là Văn Chỉ của huyện Thọ Xương cũ ở số nhà 222 phố Bạch Mai rẽ vào. Văn Chỉ, có nghĩa là “nền văn”.

Ngày trước ở các làng xã nước ta, thường đắp một nền cao, xây ban thờ bằng gạch, làm chỗ tế lễ các ông thánh, ông hiền của đạo Nho. Như vậy, Văn Chỉ là cái nền lộ thiên và kiến trúc rất sơ sài. Nhưng Văn Chỉ huyện Thọ Xương còn lại đến ngày nay được xây dựng khá quy mô, chẳng khác nào một tòa đền miếu. Do đó, có tài liệu gọi đây là Văn Từ (Đền Văn). Song cái tên Văn Chỉ đã quá quen thuộc với người dân Hà Nội rồi... Văn Chỉ này xây vào năm 1838 và đã trải qua nhiều lần sửa chữa. Hiện vẫn còn Bảng Tiên hiền, ghi tên họ những nhà nho đạo cao đức trọng là người huyện Thọ Xương hoặc di cư tới như: Vũ Thạnh, Phạm Đình Hổ, Phạm Quý Thích...

Nói về đời sống đô thị Thăng Long - Hà Nội, chúng ta không thể không nhắc đến một yếu tố ngoại lai, một thành phần cư dân ngoại tộc, tuy về số lượng không nhiều, nhưng lại giữ một vai trò kinh tế rất quan trọng, đó là tầng lớp thương nhân Hoa kiều.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Hoa kiều đã có mặt và sinh sống ở Thăng Long từ khá sớm, chậm nhất là vào thời Lê sơ. Vào đầu thế kỷ XV, trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã có nói đến một phường “Đường nhân”, tức là những Hoa kiều sinh sống và buôn bán ở Thăng Long (nay là phố Hàng Ngang). Sự có mặt của Hoa kiều làm ăn buôn bán bên cạnh những người Việt Nam không những là một nét đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, mà còn là hiện tượng phổ biến trong các thành thị Việt Nam thời trung đại. Đợt di cư hàng loạt của Hoa kiều vào Thăng Long có lẽ được thực hiện vào cuối thế kỷ XVII. Từ đó đến suốt cả thế kỷ XVIII, một mặt, các Hoa kiều di cư vào Việt Nam đã cố gắng len lỏi để cư trú và làm ăn buôn bán tại kinh thành Thăng Long, nhưng mặt khác họ cũng bị Nhà nước phong kiến nhiều lần hạn chế, cấm đoán, ngăn chặn.

Bước sang thế kỷ XIX, tình hình đã đổi khác. Nhà Nguyễn, đặc biệt là Gia Long, đã có một chính sách nhượng bộ đối với nhà Thanh, ưu đãi Hoa kiều. Mặt khác kinh đô giờ đây đã chuyển về Huế, nhà Nguyễn không cần đề phòng cẩn mật đối với Thăng Long - Hà Nội nữa. Được dịp, các Hoa kiều đã ồ ạt di cư sang Việt Nam và tràn vào Thăng Long - Hà Nội trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX” (Nguyễn Thừa Hỷ: Thăng Long - Hà Nội... Sđd, tr. 159). Những người ở lại sinh sống, học tiếng Việt Nam, lấy vợ Việt Nam, trở thành người Minh Hương, một loại người Việt gốc Hoa.

Ở hội quán Việt Đông phố Hàng Buồm có một tấm bia khắc năm 1801, có ghi: “Từ khi nhà vua mở nước cho người ngoại quốc, hàng loạt Hoa kiều đã muốn được đức Hoàng đế gia ân, đường sá và chợ quán đầy ắp khách thương... Thành Thăng Long là nơi đầu tiên của An Nam, từ lâu đã buôn bán nhiều đồ vật quý của Quảng Đông, tầu thuyền đem đến đây tất cả mọi thứ hàng hóa” (Nguyễn Thừa Hỷ: Thăng Long - Hà Nội... Sđd, tr. 159).
Ở Hà Nội, Hoa kiều lập ra 4 bang tương ứng với 3 tỉnh và 1 khu vực là quê hương gốc của họ: Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và Triều Châu. Trong đó 2 bang Quảng Đông và Phúc Kiến bao gồm phần lớn các khách thương giàu có. Bang Phúc Kiến đến định cư vào năm 1817 lập hội quán ở phố Phúc Kiến (nay là nhà số 40 phố Lãn Ông), cách ăn ở giữ nhiều lề thói cũ của địa phương. Bang Quảng Đông, người đông hơn, quá nửa ở phố Việt Đông hay Quảng Đông (nay là phố Hàng Ngang), một phần lớn ở phố Hàng Buồm, lan sang các ngõ xung quanh như ngõ Sầm Công, Ngõ Gạch. Hội quán của họ được xây từ năm Canh Thân (1800) ở phố Hàng Buồm, ngoài mặt có hàng chữ “Việt Đông hội quán” (số 22 phố Hàng Buồm), có nhiều cơ quan phụ thuộc, trường học. Họ phần lớn là những phú thương, ở các đường phố rộng lát đá, xây nhiều cổng phố chắc chắn, nhiều nhà lợp ngói, to cao.

Năm 1832, Tổng đốc Hà-Ninh Nguyễn Văn Hiếu tâu lên vua Minh Mệnh rằng: Hai phố Hàng Buồm và Quảng Đông ở huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội, phần nhiều là người Thanh, hiện đã gây thành cơ sở.

Cùng năm 1832, triều đình sai Hà Nội chọn đặt chức Hàng trưởng ở hai phố Quảng Đông và Phúc Kiến, để nếu như Nhà nước có mua sản vật ở hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, thì cứ liên hệ với hai viên Hàng trưởng ấy. Không biết được chính xác số lượng Hoa kiều ở Hà Nội vào thế kỷ XIX, nhưng chắc chắn là đông đúc, đây là thành phố nhiều Hoa kiều nhất ở Bắc Kỳ thời bấy giờ. Đại Nam nhất thống chí nhận xét: Thành thị [Hà Nội] là nơi tụ họp công thương, có lẫn cả người nước Thanh tập tục thích xa hoa...” (Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tập III, tr. 165).

Các Hoa kiều nhập cư vào Thăng Long - Hà Nội thường là hoạt động buôn bán hàng tạp hóa (nhập từ Quảng Châu sang) như: gấm vóc, thuốc Bắc, hoặc mở tiệm “cao lâu”... Một số phú thương Hoa kiều lại tập trung vào mấy ngành buôn bán xuất nhập khẩu chính: gạo, thuốc phiện, muối, thiếc và một số các mặt hàng khác như: tơ lụa, giấy. Tại Thăng Long - Hà Nội, đã xuất hiện quy mô của một nền buôn bán lớn với các tuyến giao lưu đường dài, hàng bán buôn và hình thức bao mua sản phẩm đối với các nông dân và tiểu chủ.

Nhưng trong việc buôn bán, thương nhân Hoa kiều cũng có nhiều mánh lới, thủ đoạn. Lợi dụng tính chuộng ngoại của thị dân Hà Nội, các Hoa thương Hà Nội đã mua tơ lụa của chính người Việt ở Hà Nội, cải biến chút ít rồi lại bán giả làm hàng Trung Quốc cho người Việt.

Năm 1827, chính vua Minh Mệnh có nhận xét: Các tấm hàng gọi là sa, vân, tơ xét kỹ ra là hàng của nước nhà. Rõ ràng là người Thanh ở Hà Nội hay các tỉnh mua về đem nhuộm lại rồi in dấu khác vào, giả làm hàng của nước Thanh. Vì vậy, nhà vua đã ra lệnh cho từ nay về sau, phàm dân gian dệt được các thứ hàng tơ như lĩnh, lụa, sa, trừu và tơ cân, không cứ tơ sống hay tơ chín, đều không được bán cho người nhà Thanh để xuất khẩu.
Như vậy, dựa vào số vốn lớn và những thủ đoạn buôn bán khôn khéo, lợi dụng chính sách ưu đãi Hoa kiều và chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn, các Hoa thương ở Hà Nội đã tìm mọi cách nắm độc quyền trong ngành xuất nhập khẩu. Mặt khác, họ cũng tìm cách lũng đoạn các ngành công thương nghiệp trong nước, khống chế các nông dân và thợ thủ công bằng hình thức cho vay vốn và bao mua sản phẩm. Trong kết cấu kinh tế - xã hội của Thăng Long - Hà Nội, họ chính là tầng lớp đại phú thương.
Về Đầu Trang Go down
https://danangikeyer.forumvi.com
 
Thăng Long Hà Nội thời Nguyễn
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN  :: TÀI LIỆU HỌC TẬP :: TÀI LIỆU THUYẾT MINH-
Chuyển đến