CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN

ĐÀ NẴNG IKEYER
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Các Điểm Tham Quan Du Lịch Của Vùng

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 131
Join date : 28/09/2010

Các Điểm Tham Quan Du Lịch Của Vùng Empty
Bài gửiTiêu đề: Các Điểm Tham Quan Du Lịch Của Vùng   Các Điểm Tham Quan Du Lịch Của Vùng I_icon_minitimeWed Sep 29, 2010 6:59 pm


Vườn quốc gia Cát Tiên


Vị trí: Cát Tiên là tên gọi một vùng đất nằm gọn trong đoạn uốn khúc của sông Đồng Nai, thuộc địa phận của ba tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng.

Đặc điểm: Tục truyền, nơi đây có nàng tiên thường xuống hạ giới để vui đùa và tận hưởng dòng nước trong mát, nên được gọi là "Nam Cát Tiên". Đây là công trình khảo cổ có giá trị văn hoá, lịch sử và tín ngưỡng lớn để có thể xác định được sự tồn tại, nguồn gốc của một vương quốc đã bị lãng quên hơn 1.300 năm.

Vườn Quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích là 70.548ha, trong đó phần diện tích thuộc Đồng Nai: 39.108ha; phần diện tích thuộc tỉnh Lâm Đồng: 26.969ha; phần diện tích thuộc tỉnh Bình Phước: 4.469ha. Trụ sở Vườn Quốc gia Cát Tiên đặt tại huyện Tân Phú, Đồng Nai.

Khu vườn có cảnh thiên nhiên đa dạng: vừa có đồi, vừa có bãi ven sông, vừa có các trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng chảy dốc. Vào mùa mưa các dòng suối hiền lành trở thành các dòng thác, nước đổ trắng xoá trên các triền đá lớn. Nhiều đoạn thác quanh co, lượn khúc tạo ra những bãi cát vàng rộng như các bãi tắm tự nhiên.

Giữa dòng sông rộng lớn nổi lên các hòn đảo chạy dài theo con nước. Trên đảo, cây cổ thụ mọc xen với đám cỏ rộng có thể làm nơi cắm trại, đốt lửa đêm lý tưởng. Dọc ven sông, theo lộ chính về phía tay trái là toàn bộ các kiểu rừng già, hỗn giao của các loại cây gỗ quý: gõ, giáng hương, trắc, cẩm lai, gụ... Bên phải của con đường rừng là thác trời, một ghềnh thác kỳ thú nhất của Cát Tiên. Tiếp tục băng rừng, qua các thung lũng sâu sẽ đến Bàu Sấu, nơi chứa nước rộng nhất, nằm ở khu trung tâm của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Lòng bàu chứa nhiều loại cá, đặc biệt có cả cá sấu nước ngọt. Ven bàu là nơi tập hợp của nhiều đàn chim lớn như công, trĩ, gà lôi, sếu, giang, mòng, két, le le, cù đen...

Cát Tiên không những có cảnh quan ngoạn mục, lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên Cát Tiên có khí hậu độc đáo. Địa hình có sông suối bao bọc làm cho khu rừng già vừa được giữ nguyên vẹn, vừa trở thành nơi qui tụ hầu hết các kiểu rừng đồng bằng Nam Bộ. Đây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp. Rừng có nhiều cây cổ thụ như bằng lăng, gỗ đỏ. Hệ thực vật có hơn 1.362 loài thực vật bậc cao, hơn 440 loài cây gỗ quý, hàng trăm loại cây dược liệu, 133 loài hoa phong lan...

Về động vật có 62 loài thú, 121 loài chim, có những loài chim quý hiếm như trĩ lông đỏ, cò quắm xanh, tê giác một sừng, voi...

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một đền thờ vật linh thuộc nền văn hoá Phù Nam trên đỉnh ngọn đồi A1 (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) tại khu vực đầu nguồn sông Đồng Nai. Đó là khu đền thờ được xây bằng gạch thô, bệ, khung diềm cửa, cột trụ bằng đá xanh Granit chạm trổ hoa văn, các Linga bằng vàng hoặc bằng vàng bịt bạc, một Linga - Yoni cao 2,1m, đường kính 0,7m bằng đá xanh mài bóng, lớn nhất Đông Nam Á cùng hơn một trăm miếng vàng có chạm hình mô tả cảnh sinh hoạt thời đó: các vũ nữ, chiến binh, voi, bò, hoa sen...

Vườn Quốc gia Cát Tiên cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 150km theo quốc lộ 20. Cát Tiên là một điểm du lịch sinh thái và văn hoá hấp dẫn của vùng miền Đông Nam Bộ với nhiều loại hình du lịch như đi bộ, quan sát chim thú, cắm trại, du thuyền, du lịch mạo hiểm


Hội trường Thống Nhất


Vị trí: 106 Nguyễn Du, quận 1,Tp. Hồ Chí Minh.

Đặc điểm: Trước đây vào năm 1873 trên nền đất này là một toà biệt thự tên gọi là dinh Nôrôđôm- dinh của toàn quyền Đông Dương ở Sài Gòn

Năm 1954 Tổng thống nguỵ quyền Ngô Đình Diệm và đại gia đình họ Ngô đã ở và làm việc ngay trong dinh Nôrôđôm. Đến 27/2/1962 dinh Nôrôđôm bị máy bay ném bom hư hỏng nặng. Diệm đã cho phá huỷ toàn bộ dinh Nôrôđôm, xây dựng một dinh mới hoàn toàn gọi là dinh Độc Lập.

Dinh có diện tích sử dụng 4500m2 trên khuôn viên đất rộng 120.000m2 gồm 1 tầng hầm, 3 tầng chính, 2 tầng lửng, 1 sân thượng và lầu nghỉ mát gọi là lầu Tứ Phương. Dinh có 100 phòng, mỗi phòng có cách bài trí riêng theo nội dung từng phòng. Phòng khánh tiết có sức chứa 800 người... Dinh còn có 2 nhà triển lãm với tổng diện tích 2.000 m2, một khu nhà khách 33 phòng , nhà phát điện dự phòng công suất 350 KVA và nhiều điểm dịch vụ vui chơi giải trí khác như sân tennis, khu nhà sàn Tây Nguyên...

11h30' ngày 30/4/1975 xe tăng quân giải phóng đã tiến thẳng vào dinh Độc Lập, chính phủ Ngụy gồm 45 người cùng tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.

Sau ngày giải phóng, dinh Độc Lập là trụ sở của Uỷ ban quân quản thành phố. Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước đã họp ở đây vào tháng 12/1975 và dinh Độc Lập đã được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất. Ngày nay, hội trường Thống Nhất đã trở thành khu di tích lịch sử văn hoá được đông đảo khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.


Nhà thờ Đức Bà


Vị trí: Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Đặc điểm: Nhà thờ Đức Bà hay còn gọi là Nhà thờ Lớn là một công trình kiến trúc bề thế có hai tháp chuông cao, tại quảng trường mang tên "Công xã Paris" nơi trung tâm thành phố.

Công trình được khởi công xây dựng ngày 7/10/1877 và được khánh thành vào ngày 11/4/1880. Nhà thờ được thiết kế tại Pháp, thi công xây dựng do kỹ sư ngươi Pháp tên là Bourad chỉ huy thực hiện. Tổng kinh phi xây dựng lúc bấy giờ là 2,5 triệu Frances do Thống sứ Nam kỳ cung cấp.

Thánh đường có chiều dài là 133m tính từ cửa ngăn đến cuối phòng đọc kinh, chiều ngang 35m và cao 21m. Lúc đầu, hai tháp có chiều cao tính từ mặt đất là 36,6m. Sau xây thêm hai chóp nhọn lầu chuông 21m nữa, do vậy chiều cao của tháp là hơn 57m (Tháp chuông làm năm 1895). Sáu đại hồng chung, nặng 25.850kg đặt dưới hai lầu chuông.

Ngày 7 và 8 tháng 12 năm 1959, theo sự chấp thuận của toà thánh Vantican, nhà thờ làm lễ "xức dầu" đặt tên là "Vương Cung Thánh Đường".


Chợ Bến Thành


Vị trí: Nằm ở trung tâm thành phố. Chợ Bến Thành ngày nay có hình chữ nhật, trổ bốn cửa ra quảng trường Quách Thị Trang và các con đường: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Lê Thánh Tôn thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc điểm: Chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt và du khách quốc tế khi đến tham quan du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

Trước khi Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn. Từ xuất xứ ấy mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành. Chợ được xây bằng gạch, khung gỗ, lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần. Năm 1911, chợ cũ bị phá đi, chợ mới được xây khang trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào tháng 3/1914

Sau năm 1975, chợ Bến Thành lại được đầu tư nâng cấp to đẹp lên rất nhiều so với trước. Năm 1985, chợ Bến Thành được sửa chữa lại toàn bộ bên trong, bên ngoài, duy chỉ có dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ được giữ lại như xưa. Hình ảnh chợ Bến Thành với tháp đồng hồ thường được dùng làm biểu tượng cho thành phố.

Giờ đây chợ Bến Thành là một trung tâm buôn bán lớn không chỉ của TP Hồ Chí Minh mà còn của các tỉnh phía Nam.


Chợ Lớn - Sài Gòn


Vị trí: Chợ Lớn là cả một khu vực rất rộng, bao gồm quận 5, quận 10, một phần quận11 và quận 6.

Đặc điểm: Khi nhắc đến Chợ Lớn là mọi người nghĩ ngay đến một Chợ Lớn - phố Tàu (China Town) trong lòng thành phố Hồ Chí Minh. Chợ Lớn đã trở thành một địa danh nổi tiếng không thể thiếu trong các chương trình du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

Khi nghe đến tên Chợ Lớn mọi người sẽ nghĩ tới hình ảnh của các xưởng sản xuất thủ công nghiệp nhộn nhịp, tới nơi san sát các hàng quán, tiệm ăn mang phong vị Trung Hoa... Đây là nơi tập trung nhiều người Hoa nhất, họ sinh sống chủ yếu ở quận 5 - nơi còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc và tôn giáo của hàng trăm năm trước. Những mái nhà lợp ngói ống ở dãy phố Hoa kiều cùng với kiến trúc đặc trưng nổi bật lên một nét đẹp rất cổ điển. Khách viếng thăm cảm giác như đang hiện diện trong khu phố cổ nào đó của người Hoa vào những thế kỷ trước.

Ban ngày Chợ Lớn ồn ào náo nhiệt người mua kẻ bán tấp nập. Chợ Lớn độc đáo ở chỗ ngoài việc tham quan, mua sắm, khách du lịch còn được tận mắt chứng kiến một cuộc sống sôi động của những người Hoa di cư đến từ hàng thập kỷ nay, và cả những người được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất này.

Mỗi khi nói đi đến Chợ Lớn không có nghĩa là du khách đi chợ mà có thể là vào bất cứ một tiệm ăn nào. Các tiệm ăn có bảng hiệu ghi hai thứ tiếng và đặc biệt là chủ nhà vừa có thể đối đáp với thực khách bằng tiếng Việt, vừa tíu tít gọi người nhà bằng tiếng Hoa. Ở đây du khách còn bắt gặp khuôn mẫu của những ông chủ quán ăn Tàu - đó là một người đàn ông bụng to, khuôn mặt hớn hở với chiếc khăn mặt vắt vai.

Từ những năm xa xưa người dân miền Nam đã có câu: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây" hoặc dân Sài Gòn thường kháo nhau: "Ăn quận 5, nằm quận 3"... Đặc trưng của các món ăn do người Hoa nấu là nhiều chất bổ dưỡng béo ngậy. Thức ăn trong các nhà hàng đa dạng và tên gọi cầu kỳ.

Khi thành phố lên đèn, Chợ Lớn được bộc lộ rõ nét hơn. Hầu hết các nhà đều mở cửa bán buôn, kinh doanh, dịch vụ. Hàng loạt bảng hiệu được thiết kế với ánh đèn điện tử màu, chớp sáng theo đủ mọi dáng, mọi kiểu.


Bảo tàng lịch sử Việt Nam - Tp. Hồ Chí Minh


Vị trí: 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Đặc điểm: Bảo tàng lịch sử Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh được xây dựng năm 1929, tiền thân của nó là Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse. Từ 1929 đến 1956 trưng bày chủ yếu về mỹ thuật cổ của một số nước châu Á. Từ 1956 đến 1975 là Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn. Sau năm 1975 Bảo tàng mở rộng thêm diện tích và trở thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.

Bảo tàng có hai phần trưng bày:

Phần 1: trưng bày lịch sử Việt Nam từ khi có dấu vết con người (cách đây khoảng 300.000 năm) đến năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời gồm các phòng:
- Thời kỳ Nguyên thủy ở Việt Nam
- Thời kỳ Hùng Vương dựng nước
- Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (thế kỷ 1 - 10)
- Thời Lý (thế kỷ 11 - 13)
- Thời Trần (thế kỷ 13 - 14)
- Thời Lê (thế kỷ 15 - 17)
- Thời Tây Sơn ( đầu thế kỷ 18 )
- Thời Nguyễn (thế kỷ 19 - giữa 20).

Phần 2: trưng bày một số chuyên đề mang đặc trưng của khu vực phía Nam như: văn hoá Óc Eo; văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long, nghệ thuật Chăm pa; Bến Nghé Sài Gòn, thành phần các dân tộc Việt Nam, gốm có một số nước Châu Á. Ngoài hệ thống trưng bày, Bảo tàng còn có một hệ thống kho bảo quản hiện vật với số lượng và loại hình phong phú.


Chùa Giác Lâm


Vị trí: 118 Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Đặc điểm: Là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất thành phố, chùa còn có tên là Cẩm Sơn hoặc Cẩm Điện.

Chùa được xây vào năm 1744. Phong cảnh nơi này đẹp như tranh với những vườn hoa và những cây cao. Nhiều người đến đây để sáng tác và ngâm thơ. Chùa đã được trùng tu nhiều lần: vào năm 1804 và 1909. Trên cổng có ba chữ Giác Lâm Tự viết bằng chữ Hán. Chùa còn được goi là đình Giác Lâm vì có nhiều am với những người trụ trì thuộc dòng họ Lâm Tế, con cháu của những người truyền và phát triển đạo Phật ở Trung Quốc.

Chùa Giác Lâm được xây dựng trên một diện tích rộng. Kiến trúc của chùa khá đặc sắc, đặc biệt là những cột chùa to lớn, màu nâu đậm, trên đó chạm những câu đối mạ vàng (có 143 cặp câu đối). Bao lam của chùa chạm các loại hoa mai, hoa cúc và chín con rồng. Chính điện thờ Phật Di Đà, dưới thờ Phật Thích Ca, Di Lặc, hai bên thờ Quan Thế Âm và Thế Thập Bát La Hán, Thập điện Diêm Vương, Tổ Sư Đạt Ma và tượng Long Vương. Có 113 pho tượng Phật bằng đồng và gỗ quý, đặt thờ tại đây được khoảng 200 năm. Kiến trúc của chùa mang đậm nét phương Đông, nghiêm trang, nhẹ nhàng, mỹ thuật. Đặc biệt tượng Phật Địa Tạng của chùa đẹp có tiếng.

Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.


Chùa Vĩnh Nghiêm


Vị trí: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.

Đặc điểm: Chùa được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971, theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng và sự cộng tác của các kiến trúc sư Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu. Chùa được xây dựng theo hình chữ công,hai lớp mái chồng diêm, mang nét cổ kính, theo truyền thống Á Đông

Chánh điện có những công trình chạm khắc gỗ của những năm 1960. Tháp Quan Âm ở bên trái, 7 tầng mái, cao 35 m, bảo tháp hình vuông cạnh 6 m, đỉnh tháp gọi là Long Xa; vọng chuông thấp có đại hồng chung đường kính 1,8 m. Đây là ngôi tháp lớn nhất của Phật giáo Việt Nam.

Tháp Xá lợi cộng đồng xây phía sau, bên phải có 4 tầng cao 25 m, dựng năm 1982.


Địa đạo Củ Chi


Vị trí: Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh 70km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Địa đạo quả là kỳ quan độc nhất vô nhị: dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, được làm nên từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất.

Đường hầm sâu dưới đất từ 3 - 8m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Giếng sâu 15m, trong vắt. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường "xương sống" toả ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m hết sức an toàn. Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên nguỵ trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu... Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.

Hãy một lần chui vào địa đạo, ta sẽ thấy rõ chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, ý chí bất khuất của "vùng đất thép" và sẽ hiểu vì sao một nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng một nước lớn và giàu có như Hoa Kỳ? Ta cũng sẽ hiểu vì sao Củ Chi - mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 20 năm với một đội quân thiện chiến, vũ khí tối tân mà vẫn giành thắng lợi. Cũng từ địa đạo này, cuộc hành quân Crimp (cái bẫy) của Mỹ với 3.000 quân bộ, cuộc hành quân Sedarfall gồm 12.000 lính, có xe tăng, máy bay yểm trợ tối đa, nhằm biến Củ Chi thành "khu tự do hủy diệt" đã bị đập tan. Củ Chi thật xứng danh "đất thép thành đồng" qua 20 năm bền bỉ chiến đấu.

Điều thú vị nữa khi về thăm mảnh đất anh hùng này là các hướng dẫn viên đều ăn mặc như hồi chiến tranh: nam mặc đồ giải phóng, mũ tai bèo; nữ mặc bà ba đen, quàng khăn rằn và đi dép lốp. Sự có mặt của họ bên trong những búi cây, ở mỗi khúc quanh khiến du khách có cảm giác đang được sống trong sự thật của Củ Chi thời đánh giặc. Cảm giác thời chiến rõ nét hơn khi đĩa sắn luộc, bát muối vừng được đưa mời khách du lịch. Những ly rượu bé xíu, trong vắt và nồng nàn được gọi đùa là nước mắt quê hương bên đĩa rau mốp muối chua, giòn và ngon đến lạ. Bạn đừng quên nếm thử món rau mốp. Rau mốp là lương thực chính của quân dân Củ Chi ngày trước, còn giờ đây đang là đặc sản.


Khu du lịch Suối Tiên


Vị trí: Xa lộ Hà Nội, phường Tân Phú, quận 9, Tp. Hồ Chí Minh. Điện thoại: (84-4) 8. 896 0260/ 896 4706

Đặc điểm:Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên nằm ở cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, được xây dựng cải tạo với mục đích kết hợp du lịch với giáo dục văn hoá lịch sử, nguồn cội dân tộc. Là một vùng đất đồi hình chữ S, rộng 200.000m2, chính giữa có dòng suối với nhiều mạch nước ngầm uốn lượn chảy xuyên qua suốt chiều dài 2.000m.

Suối Tiên gồm 12 khu vực chính, vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Hàng năm Suối Tiên đón từ 1,5 - 2 triệu lượt khách đến tham quan. Nét độc đáo của Suối Tiên là tính chất lịch sử, huyền thoại, các cụm mô hình ở đây được lấy ý tưởng từ các truyền thuyết, huyền tích của dân tộc và tư tưởng đạo học phương Đông. Với mơ ước về sự thái bình, an khang thịnh vượng, những nhà thiết kế xây dựng Suối Tiên thành 4 vùng đất theo truyền thuyết về tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng, mỗi vùng đất ứng với 1 hành trong ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa lấy thổ làm trung tâm. Vẻ đẹp nên thơ kết hợp hài hòa, khéo léo giữa thiên nhiên và nhân tạo, giữa kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại, không khí trong lành nơi đây đã khiến cho Suối Tiên thực sự trở thành khu nghỉ ngơi, giải trí hấp dẩn của người dân thành phố cũng như của du khách từ xa đến.

Kim Long Thổ

Là thế giới của huyền thoại và truyện cổ tích. Qua Cầu Tứ Linh du khách gặp ngay Rồng khổng lồ dài 400m. Thủy cung ngầm trong lòng đất trưng bày hơn 500 loài sinh vật biển với đủ loại màu sắc sống động. Theo bụng Rồng đưa du khách đến Long Quy ẩn thủy gợi nhớ huyền tích rùa vàng dâng kiếm báu cho vua Lê. Đuôi Rồng là Đồi Âu Lạc - nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau, Long Quân và Âu Cơ lấy nhau và sinh ra bọc trăm trứng nở thành trăm con, niềm tự hào dòng dõi con Rồng cháu Tiên của Người Việt. Sau đó du khách sẽ được đến Đảo Thiên nơi tưởng niệm Tổ tiên cùng các anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước. Lên Đảo Long Hoa thấy Quần Tiên hội tụ, ở đây còn có sự tích Hội nghị Diên Hồng đời Trần, Qua cầu "Ô Thước" du khách sẽ đến Đảo Tiên - nơi gặp gỡ của đôi vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ

Mộc Lân Thổ

Mộc Lân Thổ là một vùng đất nằm gần cổng chính, hướng bắc. Qua Cổng Thần Tiên du khách như bước vào một khu rừng nguyên sinh hùng vĩ, nằm cạnh bờ suối là những Cầu Kiều, Giếng Tiên, Hang Tiền Sử, Thác nước Chín dòng, Đền thờ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát.

Một thế giới hoang sơ thu nhỏ, đến đây ta sẽ có được những phút giây cực kỳ sảng khoái, thanh thản. Cạnh bên là sân khấu Ếch thần, biểu hiện của sự may mắn, du khách có thể ghé qua đây để thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc sau đó vào chơi Sân Patin với những đường băng uốn lượn trong vườn cây rợp bóng mát.

Thủy Quy ThổThủy Quy Thổ là một vùng đồng bằng rộng lớn với bạt ngàn rừng nhãn, nơi đây là địa điểm lý thú cho các cuộc picnic, cắm trại, sinh hoạt dã ngoại...

Hỏa Phụng Thổ

Vùng đất mang tên Hỏa Phụng Thổ bạt ngàn với những hàng dương, những thảm cỏ xanh. Nơi đây còn trưng bày hàng trăm loài thú quí hiếm làm cho bức tranh thiên nhiên thêm sống động hơn. Xa xa là Tượng Phật Thích Ca tịnh tọa dưới cội bồ đề cao 20m. Đi thêm một chút là Sơn Cung, những danh lam thắng cảnh của đất nước như: Đèo Hải Vân, Vịnh Hạ Long, Hòn Phụ Tử, các hình tượng trong truyền thuyết dân gian tại các hang động... đều được tái hiện lại ở đây.


Công viên nước Đầm Sen

Vị trí: 03 Hòa Bình, Phường 3, Q. 11, Tp. HCM
Điện thoại: (84-Cool 8588418; Fax: 8588419
Email: damsenwaterpark@vnn.vn
Website: www.damsenwaterpark.com.vn
www.waterparkrestaurant.com.vn

Đặc điểm: Công viên nước Đầm Sen được trang bị hệ thống các thiết bị trị chơi dưới nước rất hiện đại, được đặt hài hòa trong một vườn cảnh Phương Đông xanh mát rộng 3 hecta ngay trong lòng thành phố là một địa điểm vui chơi lý tưởng dành cho bạn và gia đình.

Nằm trong quần thể dịch vụ vui chơi giải trí Đầm Sen, Công viên Nước Đầm Sen với 25 lọai thiết bị trò chơi dưới nước độc đáo và một hồ tạo sóng rộng 3000m2 nằm dưới rừng cây xanh mát là một địa chỉ vui chơi giải trí lý tưởng dành cho bạn và gia đình sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng.
Về Đầu Trang Go down
https://danangikeyer.forumvi.com
 
Các Điểm Tham Quan Du Lịch Của Vùng
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN  :: TÀI LIỆU HỌC TẬP :: TỔNG QUAN DU LỊCH VIỆT NAM :: MIỀN NAM-
Chuyển đến