CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN

ĐÀ NẴNG IKEYER
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Đồng bằng Sông Cửu Long

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 131
Join date : 28/09/2010

Đồng bằng Sông Cửu Long Empty
Bài gửiTiêu đề: Đồng bằng Sông Cửu Long   Đồng bằng Sông Cửu Long I_icon_minitimeWed Sep 29, 2010 6:56 pm


Việt Nam có hai đồng bằng lớn nằm ở hai đầu mút của lãnh thổ. Đồng bằng phía Bắc là Đồng bằng sông Hồng, với diện tích tự nhiên khoảng 15.000km2, với hệ thống đê điều chằng chịt, chắc chắn, nước sông Hồng không lưu thông tự do vào đồng ruộng, vườn cây như ở ĐBSCL. ĐBSCL ở đầu mút của phía Nam lãnh thổ, với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, lớn gần gấp 3 lần đồng bằng sông Hồng. ĐBSCL không có hệ thống đê điều chằng chịt như là đồng bằng sông Hồng, do đó nước sông tự do lưu thông khắp đồng ruộng, vườn cây. Do nước theo thủy triều lên xuống, nước từ thượng nguồn đổ về đây, đặc biệt là vào mùa mưa cho nên nước mang theo một lượng phù sa rất lớn bồi đắp cho đồng ruộng, do đó ĐBSCL rất phì nhiêu, màu mỡ. Ngược lại, nước lưu thông tự do cũng có cái hại của nó vì không kiểm soát được, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, nước sông Mekong chảy mạnh, đổ về từ thượng nguồn, cuốn đi tất cả mọi thứ có thể vói nó. Lượng nước nhiều, thoát không kịp, nên thường gây ra lụt lội ở một số vùng trũng trên một diện rộng như Mộc Hóa (Long An), Tân Châu, Hồng Ngự (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang) v.v..., kết quả là trong hơn hai tháng lũ lụt, một diện tích đất rất lớn bị bỏ hoang, không thể cày cấy được vì nước lụt rất sâu, nhiều chỗ vào mùa khô, nông dân cày cấy thì vào mùa lũ, nước ngập quá đầu người.

Tình cảnh của nhân dân ở các vùng lũ lụt vào mùa nước nổi thì thật khó khăn vô cùng. Nhà thường cất trên những cọc cao để vào mùa lũ khỏi ngập nước, điều kiện sinh hoạt, kiếm sống của nhân dân trong vùng vào mùa nước nổi thì thật cơ cực. Ra khỏi nhà là phải dùng xuồng, mọi sự đi lại, chuyên chở, cấp cứu, cưới hỏi, ma chay đều phải dùng xuồng trong mùa lũ cho nên người dân sống rất gian nan trong mùa lũ. Thêm nữa, vào mùa lũ, phát sinh nhiều thứ bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết, thương hàn, muỗi anophen truyền bệnh, rắn độc, rết leo lên nhà ở chung với người cho nên nhiều khi cắn người.

Người dân ở các vùng trũng, lũ ngập do không cày cấy được nên đồng ruộng bỏ hoang hơn hai tháng, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà con cũng kiếm kế sinh nhai được bằng việc đánh bắt cá. Vào mùa lũ, bà con sắm thêm xuồng chèo, lưới, làm đăng, đó đánh bắt cá ngay trên đồng ruộng mà vài tháng trước đây mình cày cấy, dùng xuồng chèo duy chuyển trên các cánh đồng để thu gom cá. Trông thấy cảnh này, chúng tôi rất xót xa, chúng tôi cứ tưởng tượng ra đây là cảnh của những người lưu dân Việt Nam vào đây sinh sống cách đây cả 4 thế kỷ được mô tả trong sách vở. Khi mùa lũ về, các vùng đất ấy hoang sơ như chưa có người khai phá. Rất ấn tượng trước cảnh hoang sơ, nhưng cũng rất xót xa cho nhân dân sống ở các vùng này.

ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, gần gấp 3 lần đồng bằng Bắc Bộ (15.000km2). ĐBSCL được tưới tiêu, rửa phèn nhờ hệ thống sông Kêkông. Sông Mêkông dài 4.200km (1) (tương đương 2.610 dặm Anh) bắt nguồn từ Tây Tạng (Tibet) chảy qua các nước Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trước khi đổ vào Việt Nam, nó chia thành hai nhánh chính mà người Việt Nam gọi là sông Tiền và sông Hậu. Người Việt Nam gọi sông Kêkông (2) là sông Cửu Long hay Cửu Long Giang (Cửu Long Giang là thuần Hán) vì hệ thống sông Mêkông đổ ra biển qua 9 cửa nên gọi là Cửu Long, cửu long là chín con rồng. Sông Mêkông như chín con rồng phun nước ra biển nên gọi là Cửu Long Giang hay sông Cửu Long.

• Hệ thống sông Tiền gồm 6 cửa: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu.

• Hệ thống sông Hậu đổ ra biển qua 3 cửa: cửa Định An, cửa Tranh Đề, cửa Mỹ Thạnh.

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nối liền nhau. Phần lớn là tự nhiên và một phần do con người đào thêm. Cho nên trong quá khứ, thậm chí ngày nay, phương tiện vận chuyển, chuyên chở chính vẫn là tàu bè, ghe xuồng.

Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, ĐBSCL có 2 mùa mưa và khô rõ rệt, (khác hẳn với Bắc Bộ Việt Nam có 4 mùa rõ rệt) nhiệt độ trung bình là 27,50C. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 & mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình là 1620mm/năm. Số giờ nắng là 2.000 giờ/năm. Lượng bức xạ dồi dào: 350-450calo/cm2/ngày.

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam (the biggest rice growing are, rice bowl area, granary).

ĐBSCL có 18 triệu người gồm các dân tộc chính như Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Gia Rai, Ngái…

Khoảng 80% lao động trong ngành nông nghiệp như trồng trọt lúa, hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi… Còn 20% còn lại làm trong các ngành dịch vụ, công chức nhà nước, sỹ quan quân đội, công an v.v…

ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố là: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Hệ thống hành chính gồm 3 cấp: Tỉnh (Tp), quận (huyện) và phường (xã).
Ngoài các tôn giáo lớn của thế giới đã hiện hữu ở Việt Nam từ lâu đời như Phật Giáo (Buddhism), Cơ Đốc Giáo (Catholicism), Tin Lành Giáo (Protestantism), Khổng Giáo (Confucianism), Đạo Giáo (Taoism), Hồi Giáo (3) (Islam), tín ngưỡng dân gian như thờ cúng tổ tiên ông bà, Thần Hoàng, cúng đình. ĐBSCL còn là nơi phát sinh ra một số tôn giáo địa phương như Cao Đài Giáo (hình thành từ 1926), Phật Giáo Hòa Hảo, Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và “các thứ đạo linh tinh khác như Đạo Dừa, Đạo Ngồi, Đạo Nằm, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Câm, đạo Đi Chậm v..v..Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cũng như ở một số địa phương khác thì ở đây còn manh nha đạo B’hai, được mệnh danh là “Tôn giáo hoàn cầu”(4). Nếu quan niệm tôn giáo một cách thật rộng rãi nghĩa là bao gồm các tín ngưỡng và các đức tin không có hệ thống giáo lý chi phối thì ĐBSCL quả là nơi có nhiều tôn giáo. Một đặc điểm rất đáng lưu ý của các tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là các tôn giáo không có xung đột lẫn nhau, mà chung sống hòa bình với nhau. Tín đồ các tôn giáo tự do theo các tôn giáo mà mình lựa chọn, không có sự áp bức về tôn giáo như khủng bố tinh thần, buộc cải đạo v.v… Thậm chí, một người dân có thể theo nhiều tôn giáo khác nhau như vừa là tín đồ đạo Phật, vừa là tín đồ đạo Khổng, tin theo các chủ thuyết của tôn giáo thần quyền Tây Âu, vừa thờ tổ tiên ông bà, cúng tế thần hoàng, cúng đình… hay theo các tôn giáo địa phương.
Đặc điểm dân cư của ĐBSCL là trình độ dân trí thấp, ít học so với các vùng khác nên còn rất nhiều người dân mê tín, dị đoan.

Người ĐBSCL sống rất phóng khoáng, do điều kiện sinh sống ở ĐBSCL rất ưu đãi so với các vùng khác trên lãnh thổ Việt Nam, nói chung ĐBSCL là một nơi kiếm sống khá lý tưởng. Do điều kiện kiếm sống khá dễ dàng như vậy nên người dân ở đây không lo nghĩ nhiều cho ngày mai. Thí dụ, trong ngày hôm nay, một anh chàng làm thuê kiếm được 50.000đ thì anh ta sẵn sàng xài hết mà không nghĩ ngợi gì. Ở các thế kỷ 16, 17, 18 khi lưu dân VN di cư từ các vùng phía Bắc, Bắc Trung Bộ vào, họ kiếm sống khá dễ dàng cho nên từ đó hình thành nên phong cách sống của họ như ngày nay. Ngày nay kiếm được tiền họ xài hết, ngày mai có thể không kiếm được tiền thì họ xuống sông, rạch bắt cá tôm, cua, chèo ghe đi thu hoạch lúa hoang cũng có đủ cái ăn cho nên họ không sợ đói, đây là tính cách rất nổi bật của người ĐBSCL, rất khác biệt với tính cách của người dân đồng bằng Bắc Bộ, hay miền Trung Việt Nam. Chẳng hạn, hôm nay, một người làm thuê đồng bằng Bắc Bộ kiếm được 30.000đ thì họ chỉ xài hết 20.000đ, còn để dành 10.000đ cho ngày mai, ngày mốt, vì họ không chắc rằng ngày mai, ngày mốt họ có thể kiếm sống được hay không. Nếu ngày mai có bão, lụt thì còn có cái để ăn, do điều kiện địa lý khắc nghiệt khiến họ phải suy tính. Người miền Trung có điều kiện sống còn khắc nghiệt hơn người miền Bắc nữa nên họ rất cẩn thận trong việc tiêu xài.

Một đặc điểm rất nổi bật khác của người Việt Nam chúng tôi là rất hiếu khách. Ở nước bạn, khách đến chơi mà không báo trước là cả một vấn đề khó khăn, gây lúng túng cho gia chủ. Ở Việt Nam chúng tôi, khách đến thăm viếng là một điều vinh hạnh lắm, đặc biệt là người thân ở xa tới. Gia chủ làm tiệc đãi khách, dành thức ăn ngon nhất cho khách, dành chỗ nghỉ tốt nhất cho khách, thậm chí bỏ việc đồng án vài ba ngày để chơi với khách, nhiều khi khách lưu lại 1, 2 tháng là chuyện thường, gia chủ vẫn niềm nở tiếp đãi. Người Việt Nam có câu “Thương người như thể thương thân” và thực hành đúng ý nghĩa câu nói đó. Các bạn biết không, thậm chí những người “sa cơ, thất thế” nghĩa là những người gặp vận rủi, nhà tan cửa nát, sự nghiệp trắng tay, không còn gì cả và phải “tha phương cầu thực” cũng được giúp đỡ rất tử tế khi họ đến cầu giúp đỡ. Giúp đỡ người hoạn nạn vô tư, không tính toán, không nghĩ rằng sau này mình được người đó đền ơn. Người Việt Nam chúng tôi có câu “dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một đời” và cũng có câu “sông có khúc, người có lúc” v.v… Họ không chắc rằng hôm nay mình giàu có và ngày mai, năm sau, đời con cháu mình cứ giàu hoài, sung túc mãi như thế này, cho nên làm phúc, cứu người hoạn nạn hôm nay là làm phúc, cứu chính bản thân mình, gia đình mình, con cháu mình về sau.

Tình hình hiếu khách này ở các thành phố, đô thị hiện nay có khác. Người thành phố thường làm việc trong cơ quan, xí nghiệp công hay tư nên không thể có nhiều thì giờ để tiếp khách như người dân sống ở thôn quê, và họ cũng không thể bỏ việc làm để ở nhà chơi với khách trong thời gian dài. Vậy, theo tôi, tinh thần hiếu khách bậc nhất ngày nay còn được duy trì ở người dân ĐBSCL.

Người nước ngoài như các bạn khi đi xuống ĐBSCL sẽ có dịp thấy người dân ở đây quý khách như thế nào. Có thể họ không biết bạn là ai, bạn từ đâu đến, bạn làm gì và đặc biệt là họ không biết ngoại ngữ như tiếng Anh chẳn hạn như họ rất lấy làm hân hoan vẫy tay chào đón các bạn khi các bạn đi qua, đôi khi bắt chước nói câu chào tiếng Anh “Herro” một cách rất tự tin. Khi bạn đứng lại họ bu lại xem mặt mũi, thậm chí nắn tay, nắn chân, chỉ trỏ màu tóc, màu da, màu mắt hay bình phẩm về cái mũi cao của bạn và không ít người ước được cái mũi cao, thẳng như các bạn, hay họ hiếu kỳ về cánh tay lông lá xù xì của các bạn. Họ hơi hiếu kỳ đấy, bởi vì các bạn thuộc chủng tộc khác, hơi khác họ. Và các bạn cũng đừng lấy làm bực mình vì điều này. Nếu họ biết ngoại ngữ, họ sẵn sàng hỏi bạn những câu hỏi rất riêng tư chẳng hạn như: Bạn từ đâu đến? Bạn làm nghề gì? Bạn bao nhiêu tuổi? Bạn có gia đình chưa? Bạn có mấy đứa con? Vợ/chồng của bạn có dễ coi không?

Những câu hỏi đại loại như vậy thường ngày như vậy vẫn là những câu hỏi xã giao của người Việt Nam. Đối với các bạn, đó là những điều cấm kỵ, thậm chí là sự xúc phạm đến đời tư. Nhưng đối với người Việt Nam chúng tôi đó là sự quan tâm chân thành, nhiệt tình. Nếu hay người Việt Nam gặp nhau mà không hỏi những câu như vậy thì mới là lạ, là bất lịch sự, là lạnh nhạt. Và khi được hỏi thì người ta trả lời nhau một cách chân thành, không có thành kiến, không trừng mắt, bĩu môi. Đó là đặc điểm văn hóa lúa nước của người Việt Nam mang nặng tính cộng đồng, gia tộc.

Cho nên, khi các bạn được hỏi như vậy thì cũng đừng lấy gì làm lạ, trừng mắt. Trả lời hay không là quyền của các bạn, không thích trả lời thì bạn có thể nói thông dịch giải thích cho họ hiểu phong tục tập quán của các bạn là tránh đặt những câu hỏi đời tư như vậy.

Thực phẩm chính của người Việt Nam là gạo. Nhìn vào cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam các bạn có thể thấy cơm là nhiều nhất, rồi đến rau quả, cá, thịt, trứng. Người Việt Nam không ăn nhiều thịt, cá, trứng, bơ, sữa như các bạn.
Người ĐBSCL ăn tất cả các loại cá, ếch, lươn, rắn, rùa, cua, ốc, kỳ đà, thịt các con vật nuôi trong nhà như gà, vịt, ngỗng, thịt heo, thịt bò, thịt thỏ thậm chí thịt chó, thịt mèo là con vật gần gũi trong nhà. Khi đến nhà hàng các bạn sẽ thấy họ rộng rắn, rùa, lươn, ếch, tôm, cá còn sống nguyên và nếu các bạn thích ăn thì cứ yêu cầu. Họ họ xem đó là các món đặc sản, các bạn đừng lấy làm ngạc nhiên. Thịt chó cũng là một món rất được ưa thích của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, có một số người làm nghề lái xe, buôn bán thì không ăn vì họ sợ xui. Âu đó cũng là một điểm mê tín vậy.
Đến đồng bằng sông Cửu Long, các bạn không thể bỏ qua thưởng thức trái cây. Việt Nam là một nước nhiệt đới gió mùa, cây trái xung quanh tốt tươi. Một số trái cây điển hình như: chuối, cam, bưởi, quýt, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, dưa hấu, vú sữa, mãng cầu ta (custard apple), khế, dừa, ổi, mít (jackfruit), mận (plums), nhãn, bòn bon (lansones), lê-ki-ma, trái hồng (persimmon), lựu (pomegranate) v.v…
Đến ĐBSCL, du khách thường ghé qua hay qua đêm ở Tp. Cần Thơ, vì Tp. Cần Thơ là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối giao thông của các tỉnh ĐBSCL. Tp. Cần Thơ một thời được mệnh danh là “Thành phố Tây đô” dưới thời thuộc Pháp. Với diện tích 1.390km2, dân số khoảng 1.112.000 người. Tp. Cần Thơ là thành phố du lịch, trung tâm du lịch của các tỉnh ĐBSCL.

Nhắc lại đôi nét về lịch sử mở mang bờ cõi của nhân dân Việt Nam:

“Từ thuở mang gươm đi mở nước,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.”
Chúng tôi theo quyển Sài Gòn Năm Xưa của cụ Vương Hồng Sển, xin chép lại những mốc lịch sử nam tiến vĩ đại của dân tộc ta.

Căn cứ theo tài liệu sách sử để lại, đại cương cuộc nam tiến không ngừng của dân tộc Việt Nam gồm có những năm này quan trọng nhất:

-Năm 938, tổ tiên người Việt còn ở Thanh Hóa, và nhờ có ông Ngô Quyền, cởi được ách Bắc thuộc, mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần về sau được tự chủ ở cõi Nam;
-Năm 1069, xuống đến Quảng Bình, Quảng Trị.
-Năm 1307, nhà Trần gả Huyền Trân Công chúa cho vua Chàm, mở rộng cõi bờ thêm hai châu Ô và châu Lý (Thừa Thiên).
-Năm 1425, đến Thuận Hóa.
-Năm 1471, đến Quy Nhơn;
-Năm 1611, đến Phú Yên;
-Năm 1653, đến Nha Trang;
-Năm 1658, Cao Miên xin thần phục chúa Nguyễn, nhìn nhận quyền của triều đình Huế.
-Năm 1680, chúa Nguyễn cho bọn tàn binh nhà Minh khai khẩn hoang địa vùng Đồng Nai;
-Năm 1693, đến Phan Thiết.
-Năm 1698, đến Biên Hòa và Gia Định (Sài Gòn).
-Năm 1708, Mạc Cửu dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn, Mạc Cửu được phong làm tổng binh đời đời trấn thủ Hà Tiên;
-Năm 1755, vua Cao Miên nhượng đất Tần Bôn và Lôi Lạp cho Võ Vương. Ở miền Nam, ông Nguyễn Cư Trinh với những kế hoạch khẩn hoang, dinh điền ở miền Nam.
-Năm 1780, Mạc Thiên Tứ mất, không có con nối hậu. Từ đây, đất Hà Tiên sáp nhập vào cơ đồ chúa Nguyễn. Sự nghiệp Nam tiến của dân tộc Việt Nam đến đây đã hoàn thành. (5)

Các thế kỷ 16, 17 và 18, người dân Việt sống ở miền Trung thuộc miền Ngũ Quảng chịu đựng liên tiếp các cuộc chiến nội chiến giữa các chúa thuộc dòng họ Trịnh và Nguyễn.

Lý Thánh Tông mở đầu cho việc Nam tiến.
24/10/1069, vua Lý Thánh Tông cưỡi thuyền đi chinh phạt Chiêm Thành, thuyền quân men theo bờ biển vào đất Chiêm. Từ đời Lý Thánh Tông trở về trước, cửa biển Nam Giới còn gọi là cửa Sót, ở vào phía Nam núi Hồng Lĩnh thuộc phủ Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là cửa biển lớn cuối cùng của nước ta, sau tiếp giáp là các cửa thuộc Chiêm Thành. Có lẽ tên Nam Giới (bờ cõi phía nam của Đại Việt) lấy nghĩa ở sự ấy. Cửa này quan trọng vì lễ lúc bấy giờ quân Chiêm Thành thường vào nước ta bằng chỗ đó.

Từ cửa đầu nhỏ là cửa Di Luân hay cửa Ròn là thuộc Chiêm Thành. Cửa thứ hai rộng nhưng cạn là cửa Bố Chính hay cửa Gianh. Cửa thứ ba là cửa Nhật Lệ, ngày nay gọi là cửa Đông Hải. Trận tấn công Chiêm lần này, vua Chiêm là Rudravarman III bị bắt làm tù binh. Về sau, ông (Chế Cũ) dâng 3 châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh để chuộc thân. Ba châu này ứng với địa phận Quảng Bình và phía bắc Quảng Trị. (6)

Trước đó, các ông vua thuộc các triều đại Tiền Lê đến vua Lý Thái Tông đã từng cất quân đi đánh Chiêm Thành nhiều lần, nhưng lần nào xong việc bình Chiêm bèn rút quân về mà không có ý chiếm đất, lập ấp. Nước Đại Việt được mở mang là bắt đầu từ lần đi đánh Chiêm Thành này của vua Lý Thánh Tông vậy.

Chúa Nguyễn Hoàng quyết tâm Nam tiến.
Kể từ khi Nguyễn Hoàng đến tham vấn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông mách cho là “Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân” tức là Hoành sơn một dãy, có thể dung thân. Có người cho là “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, theo chúng tôi thì câu đầu có lý hơn.

Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ sống bên chúa Trịnh rất bất an, có nguy cơ bị mất mạng bất cứ lúc nào. Một hôm, chúa Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị gái xin với chúa Trịnh tức là anh rể mình, cho đi trấn thủ phía Nam. Chúa Trịnh Kiểm vốn cũng chẳng ưa gì Nguyễn Hoàng bèn đồng ý ngay. Nguyễn Hoàng được dịp vào nam bèn mở mang bờ cõi, lập nghiệp kể từ đó. Sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất, các người con, cháu của Ngài tiếp tục sự nghiệp, mở mang bờ cõi để cũng cố thế lực, rồi một khi đủ sức, thì đánh trả lại chúa Trịnh. Hai thế lực chúa Trịnh, Nguyễn có đến 7 trận giao tranh lớn. (7) Rốt cục, không ai thắng ai, nhưng để lại hậu quả rất lớn cho nhân dân ở vùng giao tranh. Kết quả là, nhân dân vùng giao tranh phần lớn phải bỏ tất cả nhà cửa ruộng vườn đi lánh nạn, phiêu bạt khắp nơi, trong đó, đại bộ phận tìm đến vùng đất mới, Đồng Nai, Biên Hòa, Sài Gòn, và ĐBSCL. Đó là những lưu dân Việt đầu tiên đến sinh sống và khai hoang đồng bằng phì nhiêu phía nam hiện nay. Họ ra đi với những vật dụng đơn giản nhất giúp cho họ sống sót như ít gạo, nồi đất, chiếu cói, nóp… và với những hạt lúa giống quý lúc nào cũng mang theo. Với những chiếc thuyền, họ men theo dãy bờ biển, đi mệt thì nghỉ ngơi, nấu ăn, tìm thêm lương thực, đồng thời cũng tìm xem những nơi mình đến có thể sống được không. Nếu chưa được, họ lại tiếp tục cuộc hành trình rồi đến tận ĐBSCL. Nếu may mắn còn sống sót, không bị bệnh tật thì sau 3 năm họ đã lập được nghiệp với chục mẫu ruộng khẩn hoang, ít vườn, nhà cửa đơn sơ nhưng cuộc sống dễ chịu hơn nơi quê nhà rất nhiều nếu không muốn nói là sung sướng.

Vào thời điểm đó, thuyền, bè, ghe là phương tiện dường như duy nhất đối với những người đi khẩn hoang. Họ phát hiện ra ĐBSCL rất phì nhiêu, hiền hòa, không có những cơn bảo tàn phá ghê sợ như ở trung phần. Bất cứ khi nào cần duy chuyển là đi bằng ghe, tàu, đò. Ghe, xuồng, đò ăn sâu vào tâm thức người lục tỉnh đến nỗi, xe rước khách liên tỉnh cũng được gọi là xe đò, vì đò quá quen thuộc với người dân. Đò thì có đò ngang, đưa người qua sông, đò dọc, đưa người xuôi dòng sông khá xa, đò chợ chở các bà, các cô đi chợ, hoặc mua bán từ vùng này đến vùng khác….

Vì sao có chợ nổi ở ĐBSCL mà không có ở Đồng Bằng Sông Hồng?

Chúng tôi đến quan sát các chợ nổi ở ĐBSCL rất nhiều lần và có những nhận xét như sau về hình thức chợ nổi ở ĐBSCL.

Chợ nổi là một hình thức mua bán rất đặc thù của vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Khách du lịch quốc tế thường có thể xem chợ nổi ở Thái Lan, Philippines hay ở Việt Nam.
Tuy Việt Nam có hai đồng bằng lớn nằm ở hai đầu mút của lãnh thổ nhưng chỉ có ở ĐBSCL là có chợ nổi. Lý do vì sao ở đồng bằng Châu thổ Bắc Bộ (Đồng bằng Sông Hồng) không có chợ nổi mà chỉ có ở ĐBSCL? Theo chúng tôi, có ba lý do sau đây khiến cho ĐBSCL có chợ nổi.

Một là, Ở ĐBSCL không có hệ thống đêu điều ngăn nước, ngăn lũ, điều tiết nước như ở đồng bằng Sông Hồng, nước sông Mekong lưu thông một cách tự do khắp nơi trong đồng bằng. Điều này khiến cho ghe, xuồng nhở có thể len lỏi vào bất cứ ngóc ngách nào của ĐBSCL. Chúng ta hãi nhớ rằng, khi lưu dân Việt Nam đến đây sinh sống cách đây 4 thế kỷ, đồng thời với người Khmer, người Tàu, người Chăm… ĐBSCL lúc bấy giờ gần như là hoang vắng, nhưng rất màu mỡ đến nỗi họ thốt lên rằng “con chim kêu cũng phải hốt, con cá vùng cũng phải kinh”, nhưng rất màu mỡ, phì nhiêu. Người dân Việt vốn chuyên canh lúc nước đã phát hiện ra ngay, và rất hứng thú với vùng đất mới mà người Miên gọi là Thủy Chân Lạp (Low Land) – đối ngược lại Lục Chân Lạp (High Land) là vùng xung quanh Hồ Tonle Sap, Phnompenh. Vùng đất mới này, nếu chịu bỏ công ra khai hoang, trồng lúa, lập vườn thì sau ba năm sẽ lập nghiệp được vững vàng. Người Việt vốn rất thạo nghề lúa nước, giỏi thủy chiến, thích đi lại nhiều trên sông mà âu đó cũng là một cảnh ngộ cho nên phương tiện đi lại chính của người Việt là ghe, tàu, thuyền các loại, tùy theo đi xa, gần, ngang dọc. Người Việt như vậy là rất thích nghi với ĐBSCL, vì nó có một hệ thống sông ngòi, kênh rạch rất chằng chịt.

Vậy, với điều kiện tự nhiên là sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như mạng nhện mà ghe cỡ nhỏ chở độ vài trăm ki-lô-gam đến hàng tấn có thể len lõi khắp nơi trong đồng đằng là điều kiện tiên quyết khả dĩ của chợ nổi.

Hai là, ĐBSCL có rất nhiều loại cây ăn trái. Mùa nào, người dân cũng được thưởng thức các loại cây trái tươi ngon, bổ dưỡng không muốn nói là hầu như quanh năm. Đó là điều kiện thứ hai để có chợ nổi.

Vì ĐBSCL rất phì nhiêu, dễ kiếm sống, người dân không sợ đói rét như ở miền trung và miền bắc, cho nên khi những lưu dân đến đây, lối ứng xử của họ cũng phóng khoáng hơn nhiều, không so đo tính toán chi li, bóp trán nặn đầu như những bà con của mình sống ở quê nhà.

Ngày mai không có gạo ăn ư? Cứ xuống sông mà mò cua, bắt cá rồi có cái ăn, không phải lo đói. Hoàn cảnh môi trường sống tự nhiên quá ưu đãi đã hình thành nên một lối ứng xử rất phóng khoáng của người dân đồng bằng. Rất phóng khoáng trong ăn uống, thết đãi khách, dù người đó không phải là người thân mà chỉ quen biết lần đầu hay vì người khách đó do sa cơ thất thế mà trở nên bần hàn đói khổ. Trong mua bán cũng vậy, rất hào phóng, nhất là “nhà vườn”. Mua trái cây thì một chục “có đầu”, nghĩa là mua một chục trái xoài chẳng hạn thì được có thể là 12, 13 thậm chí là 14 trái. Một chục mười hai, một chục mười bốn là rất quen tai, quen miệng đối với người dân ĐBSCL. Với thói quen đó, khi người ta mua nhiều, người ta thường kéo ra sông để mua, vì nó rẻ hơn rất nhiều. Hay là cần bán nhanh, cần bán nhiều thì phải đem ra ngã ba sông, nơi có nhiều thương lái, tuy phải bán giá rẻ hơn nhưng được cái là bán được nhanh, thu được tiền chẵn, tiền trăm chứ không phải bạc lẻ. Đó điều kiện thứ ba để có cái chợ nổi. Tức là thói quen buôn bán nhanh, nhiều trên sông.

Một câu hỏi nữa đặt ra là. Tại sao nơi này có chợ nổi mà nơi khác lại không có?

Trả lời: Địa điểm có chợ nổi còn phụ thuộc vào những yếu tố như: khúc sông họp chợ có đủ rộng rãi không, có cạn không. Sông có tương đối cạn thì mới có thể neo đậu tàu được thuận tiện. Chợ nổi hình thành trên sông, nhưng không phải là nơi sông cái, sông lớn mà sông đủ rộng vừa phải để có không gian tàu ghe lưu thông. Một chợ nổi lớn nhất hiện nay là chợ nổi Cái Răng, chúng ta thấy nó hình thành nơi sông không quá lớn. Một điều kiện nữa là chợ nổi thường hình thành nơi mà xung quanh người dân địa phương có trồng nhiều trái cây, làm vườn nhiều. Nếu một khu vực sông không đáp ứng được điều kiện này thì sẽ không có chợ nổi.

Chợ nổi cũng có thể lớn lên hay nhỏ đi, hay thậm chí biến mất? Đó là điều tất nhiên nhưng có lý do của nó. Chợ nổi Cái Răng là lớn nhất hiện nay, nhưng cũng có thể một ngày nào đó nó thu hẹp lại, hoặc dài thêm ra, phồn thịnh thêm ra và cũng có thể biến mất đi nếu xung quanh khu vực đó, người dân không làm vườn, trồng cây ăn quả nhiều nữa. Một khi không có nhiều cây ăn quả thì lấy gì mà mua bán, trao đổi? Các thương lái đến chợ nổi là để bán và “mua” sản phẩm địa phương đem về đi bán ở chỗ khác…
Du khách muốn xem chợ nổi đẹp nhất thì phải thức dậy từ rất sớm, nếu có thể, khoảng 6h30 sáng, có mặt ở chợ nổi thì sẽ được chứng kiến được cảnh mua bán tấp nập trên sông. Chợ nổi vào tháng Chạp là đẹp nhất, nhất là những ngày cận Tết Nguyên Đán độ 1 tuần. Khi đó, chợ nổi rất là đẹp vì ngoài những sản phẩm thường thấy như trái cây các loại, rau, củ quả còn có hoa ngày Tết. Cả chợ nổi nở hoa, du khách có thể thưởng thức được phong cảnh mua bán nhộn nhịp ở chợ nổi, rất tự nhiên. Người ta sống luôn trên ghe tàu cả dăm bảy ngày tùy theo sự mua bán của họ. Nếu bán được hàng hóa nhanh trong một hoặc hai ngày, rồi thu mua những sản phẩm địa phương khác thì họ rời chợ nhanh, rồi tiếp tục một chuyến buôn bán mới. Thời gian của những thương lái kinh doanh ở chợ nổi là hầu hết gắn bó với chiếc ghe hàng hóa của mình. Nó là nhà, là cửa hàng di động và là phương tiện di chuyển trên sông. Nếu thương lái cảm thấy khu chợ này không hợp với mình, làm ăn không được thịnh vượng thì họ nhổ neo, dời đến một cái chợ nổi khác rất tự do, tự tại.

Ghe, xuồng là nhà, cho nên khoang trước, nơi trang trọng nhất, họ đặt bàn thờ tổ tiên, thờ ông địa, thần tài, nếu có theo đạo Phật, đạo Tứ ân hiếu nghĩa gì nữa thì họ thờ lên. Khoang chính dùng chứa hàng hóa và đàng sau dùng để nghỉ ngơi, sinh hoạt… đôi khi họ còn nuôi heo trên ghe. Chó và gà trống là thường thấy họ nuôi nhất. Sau này có tivi, họ chỉ việc cột thêm một cây ăng-teng ngắn ngắn thế là có thể xem tivi được. Đời sống trên ghe tất nhiên là không thoải mái, đi lại được nhiều như ở trên đất, nhưng bù lại họ được hưởng thụ cái khí hậu mát mẻ của tự nhiên. Vào những đem rằm, trăng thanh, gió mát, lên mui ghe mà nằm ngắm trời nước mênh mang thì còn gì thú bằng, càng thú vị hơn là cùng với năm ba người bạn quây quần bên một chai rượu đế, một vài đĩa mồi đơn giản từ cá, tôm, cua, rau đậu rồi nhâm nhi, hát vài câu vọng cổ thì còn vui thú nào bằng!

Chú thích:
(1) Có tài liệu cho là 4.880km.

(2) Mêkông là phiên âm tiếng Lào “Mè Khoóng”, nghĩa là “sông mẹ”. Cấu trúc địa danh Lào-Thái, các con sông lớn đều gọi là sông mẹ “Mè” như Mè khoóng (Mêkông), Mè nặm (Mê-nam). Từ “khoóng” hay “kroong” để chỉ sông, gần như phổ biến khắp vùng Đông Nam Á, kể cả miền Nam Trung Quốc. Người Việt dùng tên Hán Việt “Cửu Long” để phiên âm từ Kroong là quá tiện lợi. (dẫn lại từ chú thích quyển Văn Hóa & Dân Cư Đồng Bằng Sông Cửu Long, tr. 11; Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường chủ biên, NXB KHXH 1990.

(3) Xem thêm quyển Người Chàm Hồi Giáo Miền Tây Nam Phần Việt Nam, Nguyễn Văn Luận; Bộ Văn Hóa Giáo Dục Và Thanh Niên xuất bản 1974.

(4) Mấy Vấn Đề Văn Hóa Đồng Bằng Sông Cửu Long, Viện Văn Hóa. NXB Tổng Hợp Hậu Giang 1987.

(5) Theo Sài Gòn Năm Xưa, Vương Hồng Sển; in lại trong Tuyển Tập Vương Hồng Sển, Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu; các tr. 9,10. NXB Văn Học 2002.

(6) Lý Thường Kiệt tr 285 trong tập La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn I, NXB Giáo Dục 1998.

(7) Thời kỳ xung đột vũ trang của họ Trịnh và họ Nguyễn kéo dài từ năm 1627 đến 1672 với 7 trận đánh lớn diễn ra vào các năm: 1627, 1633, 1643, 1648, 1655-1660, 1661-1662 và 1672. Trong 7 trận đụng độ lớn ấy chỉ có trận thứ năm (1655-1660) là trận kéo dài nhất và cũng là trận duy nhất họ Nguyễn chủ động tấn công họ Trịnh. (Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Văn Hóa Thông Tin 2003, tr.281).
(ST)
Về Đầu Trang Go down
https://danangikeyer.forumvi.com
 
Đồng bằng Sông Cửu Long
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CÂU LẠC BỘ HƯỚNG DẪN VIÊN  :: TÀI LIỆU HỌC TẬP :: TỔNG QUAN DU LỊCH VIỆT NAM :: MIỀN NAM-
Chuyển đến